Cập nhật thị trường phiên Á 15.04: Chứng khoán châu Á sụt giảm sau khi Iran tấn công Israel, giá dầu được hưởng lợi
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Chứng khoán châu Á sụt giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tuần, theo sau đà giảm của chứng khoán Mỹ hôm thứ Sáu (12/04), khi thị trường vật lộn trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông, báo cáo kết quả kinh doanh các ngân hàng đầy thất vọng và khả năng Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Chứng khoán Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc đều chìm trong sắc đỏ, HĐTL chứng khoán Hồng Kông cũng sụt giảm sau khi S&P 500 trải qua phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 1 vào thứ Sáu.
Tuy nhiên, thị trường toàn cầu có dấu hiệu ổn định ngay cả sau cuộc tấn công "chưa từng có" vào Israel cuối tuần qua. Iran cho biết “vấn đề có thể được coi là đã kết thúc” và Tổng thống Joe Biden được cho là đã tuyên bố với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Mỹ sẽ không ủng hộ một cuộc phản công của Israel chống lại Iran.
Đồng bạc xanh mất giá so với hầu hết các đồng tiền của nhóm G10 hôm nay, TPCP Mỹ ổn định đầu phiên Á sau khi lợi suất sụt giảm trong phiên trước đó. Vàng tăng trong bối cảnh nhu cầu về tài sản trú ẩn gia tăng, trong khi đó, nhôm và niken tăng mạnh sau các lệnh trừng phạt mới của Mỹ và Anh nhằm vào Nga hôm thứ Sáu.
Giá vàng giao ngay
Tại thị trường Trung Quốc, dữ liệu thương mại yếu kém khiến chứng khoán Trung Quốc gặp khó khăn. Ngay cả khi tâm lý toàn cầu được cải thiện và căng thẳng ở Trung Đông giảm bớt, chứng khoán Trung Quốc có thể phải đối mặt với những trở ngại riêng. Các nhà chức trách có thể giữ nguyên lãi suất cơ bản và bơm thêm thanh khoản trong tuần này khi các khoản vay đáo hạn.
Mặt khác, nhà phát triển China Vanke cho biết họ đang lên kế hoạch giải quyết vấn đề thanh khoản và những khó khăn trong hoạt động ngắn hạn khi các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài đối với nền kinh tế đang trì trệ.
Trong khi nhiều nhà đầu tư lo lắng vì lạm phát dai dẳng và triển vọng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, căng thẳng leo thang ở Trung Đông có thể tạo ra những biến động mới vào thị trường. Khi xung đột lan rộng, giá dầu được cho là có thể vượt 100 USD/thùng và dự kiến TPCP Mỹ, vàng và đồng USD sẽ lao dốc, cùng với thị trường chứng khoán.
Bitcoin phục hồi sau khi giảm gần 9%.
Giá dầu gần vẫn ổn định sau các cuộc tấn công, tuy nhiên đà tăng có thể bị hạn chế do suy đoán rằng xung đột sẽ được kiềm chế. Dầu Brent đã tăng gần 20% trong năm nay và hiện giao dịch quanh mức 90 USD/thùng.
Tác động của cuộc xung đột Israel-Hamas lên nền kinh tế thế giới
Khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh của Phố Wall bắt đầu, kết quả của các ngân hàng lớn đã phản ánh tình hình kinh tế Mỹ trong bối cảnh triển vọng hạ lãi suất bị cản trở bởi lạm phát dai dẳng.
JPMorgan Chase và Wells Fargo đều báo cáo NIM thấp hơn ước tính trong bối cảnh chi phí huy động vốn ngày càng tăng. Lợi nhuận của Citigroup vượt ước tính khi tập đoàn khai thác thị trường tài chính và người tiêu dùng dựa vào thẻ tín dụng, tín hiệu cho thấy lãi suất tăng cao trong thời gian kéo dài sẽ mang lại lợi ích cho các ngân hàng lớn.
Các nhà giao dịch sẽ theo dỗi chặt chẽ dữ liệu kinh tế để điều chỉnh kịp thời triển vọng của chu kỳ nới lỏng của ngân hàng trung ương, cũng như theo dõi các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và World Bank tại Washington. Tuần này, dữ liệu được công bố bao gồm GDP của Trung Quốc, lạm phát của Nhật Bản, Eurozone và Anh.
Bloomberg