Cập nhật tiến độ triển khai của vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Vắc-xin đang là hy vọng lớn nhất hiện tại để kiểm soát đại dịch Covid-19
Cập nhật tiến độ tiêm chủng vắc-xin tại Mỹ
Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử đã chính thức bắt đầu. Hơn 46.2 triệu liều vắc xin đã được cấp phép tại 51 quốc gia, theo dữ liệu tổng hợp bởi Bloomberg. Tốc độ tiêm chủng trung bình hiện là khoảng 2.35 triệu liều mỗi ngày.
Quá trình tiêm chủng tại Mỹ đã được bắt đầu từ ngày 14/12/2020 đối với các đối tượng là nhân viên chăm sóc sức khỏe và hiện đã có 15.6 triệu liều được sử dụng. Trong tuần trước, có khoảng 806 nghìn liều vắc-xin được sử dụng trung bình mỗi ngày tại Mỹ.
Số lượng vắc-xin triển khai thực tế thấp hơn so với dự kiến do tiến độ không đồng giữa các bang. Vòng tiêm chủng đầu tiên đã được thực hiện xong chủ yếu thông qua các bệnh viện và trung tâm chăm sóc sức khỏe. Vòng triển khai tiếp theo sẽ được thực hiện phổ biến hơn tại các nhà thuốc và phòng khám, nơi mà vắc-xin vẫn thường xuyên được sử dụng, và mở rộng phạm vi của vắc-xin tới người dân. Một số bang đã sử dụng các sân vận động và công viên để làm các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn.
Trong nỗ lực để đẩy nhanh quá trình triển khai vắc-xin, chính quyền Mỹ vào ngày 12/01 đã bắt đầu khuyến khích các bang thực hiện tiêm chủng cho những người từ 65 tuổi trở lên và những người trên 16 tuổi có tình trạng sức khỏe đặc biệt. Mục tiêu sẽ là phổ cập vắc-xin tới khoảng 1/3 dân số của Mỹ.
Hiện chính quyền Mỹ đang tiến hành phân bổ vắc-xin của Pfizer và Moderna tới các bang, đồng thời thông báo sẽ đẩy nhanh quá trình tiêm chủng trong thời gian tới. Cả 2 loại vắc-xin trên đều yêu cầu tiêm 2 mũi cách nhau trong vài tuần. Có ít nhất khoảng 1.96 triệu người đã hoàn thành phác đồ trên.
Quá trình triển khai vắc-xin đã khởi động trên phạm vi toàn cầu
Vắc-xin của Pfizer hiện đã được cấp phép sử dụng tại Bắc Mỹ, Châu Âu và Trung Đông, đồng thời các chiến dịch vắc-xin cũng đã bắt đầu tại ít nhất 51 quốc gia. Cả vắc-xin của Pfizer và Moderna đều cho kết quả giảm nguy cơ lây nhiễm lên tới 95% trong các cuộc thử nghiệm trên hơn 10 nghìn tình nguyện viên. Vắc-xin nghiên cứu bởi AstraZeneca và đại học Oxford cũng đã nhận được cấp phép chính thức tại Anh vào 30/12/2020.
Một số các quốc gia khác đã đi trước trong quá trình triển khai vắc-xin. Trung Quốc và Nga đã sớm cấp phép cho vắc-xin của mình vào tháng 7 và 8, trước khi có kết quả thử nghiệm chính thức. Kể từ thời điểm trên tới nay, hàng triệu liều vắc-xin đã được sử dụng, tuy rằng quá trình trên thường ít được cập nhật chính thức.
Trong chiến dịch vắc-xin trên toàn cầu, đã có sự không đồng đều giữa các quốc gia về khả năng tiếp cận với vắc-xin cũng như hiệu quả tiêm chủng. Tốc độ tiêm chủng của Israel vượt trội so với các quốc gia khác, với trung bình 29.8 liều đã được sử dụng trên 100 người. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia khác hiện vẫn chưa tiến hành bắt đầu tiêm chủng. Việc triển khai hàng tỷ mũi vắc-xin ra toàn cầu nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 sẽ là một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành vận chuyển trong lịch sử.
Các quốc gia sử dụng các cách tiếp cận tới vắc-xin khác nhau
Trong nỗ lực để vượt qua một trong những cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong lịch sử, các quốc gia đã gặp những khó khăn để tiếp cận với nguồn cung vắc-xin. Theo ước tính, khoảng 8.33 tỷ liều vắc-xin đã được đặt hàng tới lúc này.
Số lượng trên có thể đủ cho khoảng 1/2 dân số toàn cầu (hầu hết các vắc-xin đều yêu cầu tiêm 2 mũi), nếu như được phân phối đồng đều. Tuy nhiên, điều này là rất khó khăn. Các quốc gia phát triển có lợi thế để đặt những đơn hàng lớn cũng như yêu cầu vận chuyển bằng kho lạnh khiến các vùng hẻo lánh khó có thể tiếp cận được vắc-xin. Một số quốc gia sẽ phải đợi tới năm 2022 hoặc muộn hơn mới có thể sử dụng vắc-xin.
Vắc-xin của AstraZeneca đang dẫn đầu với các đơn hàng đặt trước có quy mô cho khoảng 1.48 tỷ người, gần gấp đôi so với các ứng viên còn lại. Kế hoạch tiếp cận với vắc-xin cũng là khác nhau giữa các quốc gia:
- Mỹ đã ký kết thỏa thuận đơn phương với tất cả nguồn cung sản xuất trong nước;
- Nhiều quốc gia khác sẽ nhận vắc-xin thông qua Covax, một tổ chức được hỗ trợ bởi WHO nhằm mục đích phân phối vắc-xin đồng đều ra toàn cầu;
- Một thỏa thuận được môi giới bởi tỷ phú Mexico Carlos Slim sẽ phân phối vắc-xin giá rẻ cho khu vực Châu Mỹ La-tinh;
- Ấn Độ đã được đặt hàng để sản xuất khoảng 2.2 tỷ liều vắc-xin và dự kiến sẽ phân phối ra các quốc gia trong cùng khu vực;
- Canada, với dân số khoảng 38 triệu người, đã ký hợp đồng với ít nhất 7 công ty sản xuất để đáp ứng nguồn cung tương ứng tới 112 triệu người. Con số trên vẫn chưa tính tới lượng vắc-xin đăng ký thông qua Covax;
- Trung Quốc và Nga sẽ sử dụng chủ yếu vắc-xin sản xuất trong nước, Sputnik V và Sinopharm.