Cathie Wood: Giảm phát, không phải siêu lạm phát, mới là điều đáng lo ngại
Đức Nguyễn
FX Strategist
Nhà đầu tư Cathie Wood đã phản bác lại giả thuyết về siêu lạm phát của nhà sáng lập Twitter và Square Jack Dorsey.
Sáng lập kiêm CEO của quỹ đầu tư Ark Invest đã lên Twitter phản pháo bằng một giả thuyết khác về giảm phát sau khi Dorsey đăng một dòng tweet vào tối thứ Sáu rằng “siêu lạm phát sẽ thay đổi tất cả. Nó đang đến rồi.” Wood ước tính rằng giả thuyết của bà sẽ đến sau kỳ nghỉ đông năm nay.
“Vào khủng hoảng năm 2008-09, khi Fed bắt đầu chương trình nới lỏng định lượng, tôi từng nghĩ lạm phát sẽ bay cao, nhưng đã sai hoàn toàn. Tốc độ lưu thông tiền - số lần tiền chuyển từ người này sang người khác trong năm - lại giảm đáng kể, xóa đi khả năng lạm phát bùng lên. Tốc độ lúc này vẫn đang giảm,” bà Wood nói trong một dòng tweet.
Dù nhiều người đang lo về giá cả leo thang, nhà đầu tư này lại kỳ vọng viễn cảnh giảm phát trước giá hàng hóa sập, các công ty không thể cách tân, hàng tồn chất đống và các xu hướng đổi mới tiếp tục bay cao.
“Giờ chúng tôi tin là ba yếu tố giảm phát sẽ áp đảo lạm phát gây ra do tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Hai yếu tố là dài hạn, một mang tính chu kỳ. Giảm phát do những đột phá công nghệ sẽ là yếu tố mạnh nhất.”
“Khi giá thành giảm, tốc độ lưu thông tiền cũng giảm, và kéo theo đó là thiểu phát, thậm chí là giảm phát. Nếu người tiêu dùng và doanh nghiệp tin rằng giá sẽ giảm trong tương lai, họ sẽ ngồi đợi giá thành giảm sâu hơn nữa, khiến tốc độ lưu thông tiền giảm,” bà nói thêm.
Bà cũng nói rằng các công ty S&P 500 không đầu tư vào tương lai cũng sẽ trở thành một thế lực giảm phát được biết với cái tên “sự hủy diệt mang tính sáng tạo”.
“Sau bong bóng dot-com đầu thế kỷ XXI và khủng hoảng tài chính năm 2008-09, nhiều công ty đã đặt mối quan tâm ngắn hạn lên hàng đầu: những cổ đông, những người muốn có lợi nhuận/cổ tức, và họ đã tận dụng bảng cân đối kế toán của mình để trả cổ tức và mua lại cổ phiếu, ‘tự sáng tác’ và đẩy cao thu nhập trên cổ phiếu (EPS), Họ không đầu tư đủ vào đổi mới và sáng tạo, và nhiều khả năng sẽ phải trả nợ bằng cách bán hàng kém chất lượng với giá thấp. Giảm phát.”
Bà Wood gọi những công ty này là bẫy giá trị, và nói rằng các chỉ số chứng khoán lớn đang gặp nguy hiểm do các công ty này.
Yếu tố cuối cùng là các lượng hàng tồn kho do đại dịch và tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Nhiều công ty đã đặt quá nhiều hàng, trong khi nền kinh tế đang dần chuyển sang mảng dịch vụ, bà Wood giải thích.
“Do các doanh nghiệp phải đóng của và bị bất ngờ bởi tiêu dùng tăng cao trong đại dịch, nhiều nơi đã cố gắng bắt kịp thị trường, đặt hàng nhiều gấp đôi, thậm chí gấp ba nhu cầu.”
“Kết quả là, khi kỳ nghỉ lễ đã kết thúc và các công ty chịu cảnh quá cung, giá sẽ giảm. Một số hàng hóa như gỗ và quặng sắt đã giảm tới 50%, và Trung Quốc thắt chặt quản lý là một lý do. Giá dầu lại là một ngoại lệ.” Bà Wood kết luận.
CNBC