CEO Pfizer: Có thể phải tiêm vắc xin mũi 4 sớm hơn dự kiến do Omicron
Đỗ Duy Đạt
Associate Manager, FX G7
Hôm 8/12, CEO hãng dược Pfizer cho biết mọi người có thể cần phải tiêm mũi vắc xin ngừa COVID thứ 4 sớm hơn dự kiến sau khi nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến chủng Omicron có thể làm suy yếu các kháng thể sản sinh từ các mũi vắc xin trước.
Sáng ngày 8/12, Pfizer và BioNTech đã công bố kết quả từ một nghiên cứu sơ bộ trong phòng thí nghiệm mà họ tiến hành mới đây.
Theo đó, hai hãng dược cho biết mũi vắc xin thứ 3 có hiệu quả trong việc chống lại Omicron, trong khi hai mũi tiêm ban đầu giảm đáng kể khả năng bảo vệ trước siêu biến chủng mới.
Tuy nhiên, Pfizer - BioNTech khẳng định, hai mũi tiêm ban đầu vẫn có khả năng bảo vệ bệnh nhân khỏi bị chuyển nặng hơn.
Ông Albert Bourla, CEO của Pfizer, lưu ý rằng nghiên cứu sơ bộ nêu trên được thực hiện dựa trên một bản sao tổng hợp, được tạo ra từ phòng thí nghiệm của biến chủng Omicron. Trong tương lai, hãng dược nước Mỹ cần thêm dữ liệu thực tế để tiếp tục nghiên cứu.
Chia sẻ với CNBC, CEO Albert Bourla cho biết kết quả nghiên cứu thực tế sẽ chính xác hơn và dự kiến sẽ được công bố trong hai tuần tới.
"Khi có dữ liệu thực, chúng tôi sẽ xác định liệu mũi vắc xin thứ 3 có thể chống chịu biến chủng Omicron tốt hay không. Ở diễn biến khác, tôi nghĩ chúng ta cần phải tiêm mũi thứ 4 sớm hơn dự kiến", ông Bourla nhấn mạnh.
Trước đó, CEO của hãng dược Pfizer từng dự đoán người dân sẽ cần tiêm mũi 4 sau mũi thứ 3 khoảng 12 tháng. "Với biến chủng Omicron, chúng ta cần chờ đợi và nghiên cứu thêm vì hiện có quá ít thông tin", ông Bourla bày tỏ.
CEO Pfizer nhận định, điều quan trọng nhất lúc này là triển khai vắc xin mũi 3 ngay trong mùa đông năm nay. Giới chức y tế toàn cầu đang lo ngại về khả năng gia tăng đột biến các ca nhiễm mới khi mọi người tập trung trong nhà để trốn tránh thời tiết lạnh giá.
"Tôi tin mũi thứ 3 sẽ mang lại hiệu quả bảo vệ rất tốt", ông Bourla nói. Ngoài ra, vị CEO cho biết các phương pháp điều trị như thuốc uống kháng virus Paxlovid của Pfizer cũng giúp bệnh nhân không cần phải nhập viện và hỗ trợ ngành y tế trong mùa đông.
Ông Bourla kỳ vọng Paxlovid sẽ vẫn có hiệu quả trước biến chủng Omicron, vì thuốc này nhắm vào một vùng khác của virus, cụ thể là một loại enzyme mà virus dùng để sao chép chính nó nhưng không thể tạo thêm đột biến.
Trong khi đó, vắc xin thường sẽ nhắm vào protein gai mà virus sử dụng để xâm nhập vào tế bào con người và theo thời gian thì protein gai sẽ liên tục tạo ra đột biến mới.
Cũng theo CEO Bourla, Pfizer và BioNTech có thể phát triển một loại vắc xin đặc biệt nhắm vào biến chủng Omicron vào tháng 3 năm sau nếu cần. Ông dự đoán các biến chủng mới sẽ tiếp tục xuất hiện trong tương lai và Pfizer đang theo dõi xem có cần điều chỉnh vắc xin hay không.
Cuối ngày 7/12, bà Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết hiện tại biến chủng Omicron đã lây lan đến hơn 50 quốc gia trên thế giới. Riêng tại Mỹ, biến chủng này đã xuất hiện tại 19/50 tiểu bang.
Ở chia sẻ khác, Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế cấp cao của Nhà Trắng, lưu ý rằng còn quá sớm để kết luận về mức độ nghiêm trọng của biến chủng Omicron. Dù dữ liệu của Nam Phi cho thấy Omicron chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ, ông Fauci cảnh báo: "Thông tin này có thể bị sai lệch nếu nhà nghiên cứu chỉ xét đến các bệnh nhân trẻ tuổi mà bỏ qua những nhóm khác".
CNBC