CFRA Research: Khi nhìn vào lịch sử, thắt chặt sẽ có lợi cho thị trường
Đức Nguyễn
FX Strategist
Fed đã bắt đầu thắt chặt, và khác với năm 2014, “taper tantrum” đã không xảy ra. Hay nó đã xảy ra rồi mà ta không hề hay biết?
Khi chủ tịch Ben Bernanke khiến thị trường bất ngờ bằng việc công bố rằng Fed có thể kết thúc nới lỏng định lượng, chứng khoán Mỹ đã điều chỉnh mạnh y như đợt điều chỉnh mua thu này. Và sau đó, thị trường lại hồi phục như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Tới lúc này, cả ba chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq đều liên tục lập đỉnh mới.
Thế kỳ vọng vào điều gì tiếp theo? Khi nhìn lại lịch sử của việc thắt chặt, và tâm lý thị trường suốt 60 năm nay, đà tăng của thị trường chứng khoán sẽ còn kéo dài, ở nhiều loại cổ phiếu trong rổ S&P 500 và S&P 1500, theo dữ liệu từ CFRA.
Sau bình luận về thắt chặt của chủ tịch Bernanke vào tháng 5/2013, chứng khoán giảm 5.8% trong tháng tiếp theo, một mức điều chỉnh không lớn, và trong phần còn lại của năm, tăng tới 17.5%.
“Sau một giai đoạn điều chỉnh nhẹ được biết đến với cái tên “taper tantrum”, cổ phiếu lại tiếp tục bay cao, khi 80% các mã ngành đều ghi nhận tăng trưởng trên trung bình”, theo Sam Stovall, chiến lược gia trưởng của CFRA Research.
Và đây không chỉ là giai đoạn hồi phục hậu taper tantrum, mà còn cả mười tháng tiếp theo, khi Fed thực sự thắt chặt.
Trong mười tháng thắt chặt đó, từ giữa tháng 12/2013 tới cuối tháng 10/2014, chỉ số S&P 500 tăng 11.5%. Lý do cho việc này, theo Stovall, là giới đầu tư nhận định rằng nếu nền kinh tế đủ mạnh để không cần tới QE nữa, thì nó đủ mạnh để tự mình phát triển.
“Đừng tin ai cả. Lúc đó S&P 500 giảm không đến 6%, mà nhiều người đã than vãn như thị trường đảo chiều tới nơi rồi. Nhưng cuối cùng lại chỉ là điều chỉnh nhẹ.”
Và điều này khiến Stovall kết luận rằng đợt điều chỉnh 5.2% tháng Chín này sẽ lại như nhiều đợt bán tháo trong quá khứ: hồi phục nhanh chóng, rồi lịch sử lặp lại.
Trong 60 lần chứng khoán điều chỉnh kể từ thế chiến 2, thị trường tiếp tục tăng trong tháng tiếp theo với mức tăng trung bình 3.3%, đồng thời tăng tới 92% trong 60 lần đó. Trong năm nay, nó rơi vào tháng Mười Một (tháng Mười là tháng “hồi phục”).
Như vậy, chứng khoán tăng nóng đầu tháng này là không quá bất ngờ vì mức sinh lời bình quân trong quá khứ là 3.3%, với các tháng nối tiếp tháng phục hồi.
Điều chỉnh là một điều rất bình thường, đặc biệt trong thời gian thị trường tăng kéo dài. Dữ liệu từ CFRA cho thấy thị trường đã tăng trung bình 8.4% trong 100 ngày sau các tháng hồi phục. Điều này đồng nghĩa với việc chứng khoán sẽ tiếp tục tăng tới tháng Một năm sau. Nhưng lịch sử cũng đang cảnh báo giới đầu tư về một giai đoạn biến động mạnh sau đó. Chứng khoán thường giảm khoảng 5%, và tháng Hai là tháng tệ thứ hai trong năm.
Hãy cẩn trọng trước những con sóng tháng Hai
Một điều nữa mà giới đầu tư cần cẩn trọng trong tháng Hai, đó là việc bổ nhiệm chủ tịch Fed mới. Fed không phải là một tổ chức quá chính trị, nhưng với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới và lo ngại thay đổi chính sách lãi suất đột ngột sẽ đánh sập thị trường chứng khoán và đưa kinh tế vào suy thoái, tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ chọn một chủ tịch có thông điệp rõ ràng về giai đoạn lạm phát này.
Dù lịch sử cho thấy Fed thường sẵn sàng tăng lãi suất trong 3 tháng trước thời điểm bầu cử giữa nhiệm kỳ và bầu cử tổng thống, ông Stovall nghĩ lần này họ sẽ chờ đợi. “Fed muốn kiên nhẫn với việc tăng lãi suất, để tránh việc quá chính trị.”
Thị trường thì vẫn chưa tin vào việc này. Dự báo của CME cho thấy Fed có thể tăng lãi suất sớm nhất là trong quý III năm sau.
Lạm phát, và cuộc chiến giữa Fed và giới đầu tư về triển vọng lạm phát, sẽ là yếu tố quyết định tới tâm lý thị trường. Chủ tịch Powell tiếp tục nhấn mạnh lại sau cuộc họp FOMC là ông không vội nâng lãi suất, tiếp tục cho rằng lạm phát chỉ là tạm thời và sẽ hạ nhiệt khi các yếu tố về Covid như khủng hoảng chuỗi cung ứng được giải quyết, dù ông có nói lạm phát có thể kéo dài tới năm sau.
Nhiều người trong giới đầu tư lại không đồng tình với ông.
CFRA kỳ vọng lần nâng lãi suất 0.25% đầu tiên sẽ vào quý IV/2022, và sau đó tiếp tục trong năm 2023, nhưng lạm phát sẽ chỉ tăng cao hơn. CPI được kỳ vọng sẽ tăng 6% YoY quý IV năm nay. Công cuộc thắt chặt được kỳ vọng sẽ xong xuôi vào giữa năm sau, nhưng Fed cũng nói rằng thắt chặt sẽ không liên quan gì đến việc tăng lãi suất.
“Nói cách khác, Fed đã bắt đầu nới ga, nhưng chưa muốn đạp phanh,” theo ông Stovall.
Lạm phát sẽ thay đổi lập trường đó. Con số 6% của quý IV nhiều khả năng sẽ là đỉnh điểm. Nhưng nếu điều này không đúng thì sao?
Nếu Fed vẫn muốn từ từ với việc tăng lãi suất, họ có thể thắt chặt nhanh hơn. “Tôi nghĩ nếu ta chịu cảnh lạm phát cao hơn và lâu hơn, Fed có thể sẽ phải tăng tốc thời gian thắt chặt, và thắt chặt bao nhiêu,” ông Stovall nói thêm.
Kế hoạch thắt chặt hiện tại là 15 tỷ mỗi tháng, và chấm dứt vào tháng Năm. Nếu lạm phát tiếp tục nóng trong năm tới, Fed sẽ phải tăng tốc độ thắt chặt, và càng có nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất sớm hơn.
Do vậy, dù ta có thể tự tin với dữ liệu trong quá khứ, “lãi suất và lạm phát vẫn là nỗi lo chính cho việc điều chỉnh,” theo ông Stovall.
CFRA dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh 5.9% trong quý này, và sau đó sẽ xuống 2.5% trong quý IV/2022. Đây là quan điểm tạm thời của chủ tịch Powell, và CFRA tin là ông nói đúng, nhưng chứng khoán sẽ chỉ quan tâm tới “tạm thời” là bao lâu.
“Nếu lạm phát tiếp tục cao, thậm chí tăng cao hơn trong quý I, thị trường sẽ bắt đầu sợ hãi,” ông Stovall kết luận.
CNBC