Chỉ số PMI sản xuất giảm sâu, Trung Quốc đối mặt với áp lực kích thích tiêu dùng
Quế Anh
Junior Editor
Theo số liệu chính thức công bố ngày thứ bảy, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 8 đã sụt giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng qua. Diễn biến này đặt ra thách thức buộc giới hoạch định chính sách phải đẩy mạnh các biện pháp kích thích tiêu dùng hộ gia đình.
Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố đã giảm từ 49.4 điểm trong tháng 7 xuống còn 49.1 điểm trong tháng 8. Đây là tháng giảm thứ 6 liên tiếp và là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số này nằm dưới ngưỡng 50 điểm - ranh giới giữa sự tăng trưởng và suy giảm của nền kinh tế. Con số này cũng thấp hơn so với dự báo trung bình của các chuyên gia kinh tế là 49.5 điểm.
Sau một quý II trầm lắng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục mất đà trong tháng 7. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc điều chỉnh chiến lược, chuyển từ tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng sang thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình.
Tâm lý của giới sản xuất vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm đè nặng lên nhu cầu nội địa. Bên cạnh đó, các biện pháp hạn chế từ phương Tây cũng gây áp lực lên xuất khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực xe điện.
Các nhà sản xuất ghi nhận giá xuất xưởng giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 14 tháng, từ 46.3 điểm trong tháng 7 xuống còn 42 điểm. Trong khi đó, các chỉ số về đơn đặt hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới vẫn ở mức âm, buộc các doanh nghiệp phải tiếp tục cắt giảm nhân sự.
Ông Trương Chí Vĩ, Nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management nhận định: "Chính sách tài khóa còn khá thắt chặt, góp phần làm suy yếu động lực tăng trưởng kinh tế. Để ổn định nền kinh tế, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ chính sách tài khóa. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang chậm lại, xuất khẩu có thể không còn là động lực tăng trưởng đáng tin cậy như nửa đầu năm."
Trước tình hình này, các cố vấn chính sách đang cân nhắc khả năng Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh một phần hạn ngạch phát hành trái phiếu của năm sau vào tháng 10 nếu tăng trưởng kinh tế hồi phục trong mùa hè này.
Trung Quốc đã thực hiện một chiến thuật tương tự với cùng kỳ năm ngoái với các gói kích thích như tăng thâm hụt ngân sách lên 3.8% GDP từ mức 3.0% và giải ngân trước một phần hạn mức nợ chính quyền địa phương năm 2024 để đầu tư vào phòng chống lũ lụt và các cơ sở hạ tầng khác. Tuy nhiên, lần này, các nhà phân tích dự đoán rằng chính quyền sẽ tập trung vào việc đặt mức hỗ trợ cho nhu cầu nội địa đang suy yếu.
Những dấu hiệu khởi sắc đầu tiên
Doanh số bán lẻ tháng trước đã vượt dự báo, phản ánh hiệu quả của quyết định phân bổ khoảng 150 tỷ CNY (21 tỷ USD) từ trái phiếu kho bạc siêu dài hạn để hỗ trợ chương trình trợ giá cho các sản phẩm tiêu dùng đổi mới. Chỉ số PMI phi sản xuất tháng 8 cũng tăng nhẹ lên 50.3 từ mức 50.2, giảm bớt lo ngại về nguy cơ suy thoái trong lĩnh vực dịch vụ và xây dựng.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế vẫn đang chờ đợi những kế hoạch cụ thể hơn từ chính phủ để khôi phục thị trường tiêu dùng 1.4 tỷ dân. Và điều này hoàn toàn không dễ dàng. Ông Từ Thiên Trần, nhà kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit, nhận định: "Tôi không chắc chắn liệu có thể triển khai thêm các gói kích thích hay không," đặc biệt khi xét đến quy mô của chương trình đổi hàng. Ông cho rằng chương trình này “sẽ cung cấp sự hỗ trợ vừa phải cho nền kinh tế” và “dường như chỉ được người tiêu dùng hoan nghênh”.
Thách thức lớn nhất vẫn là tình trạng suy thoái trong lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực từng chiếm một phần tư nền kinh tế tỷ dân. Với 70% tài sản hộ gia đình nằm ở bất động sản, sự sụt giảm trong lĩnh vực này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chi tiêu tiêu dùng. Một cuộc thăm dò của Reuters dự báo giá nhà sẽ giảm 8.5% trong năm 2024, sâu hơn so với mức dự báo 5.0% hồi tháng 5.
Ông Từ nhận định rằng các quan chức Trung Quốc có thể sẽ phải chấp nhận mức tăng trưởng dưới 5% trong năm nay, thấp hơn so với mục tiêu ban đầu.
Reuters