Chi tiêu tiêu dùng tăng vọt: Nền kinh tế Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ, triển vọng tăng lãi suất được củng cố

Chi tiêu tiêu dùng tăng vọt: Nền kinh tế Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ, triển vọng tăng lãi suất được củng cố

Đặng Thùy Linh

Đặng Thùy Linh

Junior Analyst

13:32 15/08/2024

Nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với dự kiến - đạt 3.1% trong quý 2, phục hồi sau đà giảm đầu năm nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh, từ đó củng cố khả năng BoJ tăng lãi suất trong thời gian tới.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) dự báo rằng sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế sẽ giúp lạm phát đạt mục tiêu 2% một cách bền vững và củng cố triển vọng tăng lãi suất sau động thái vào tháng trước.

Dữ liệu của chính phủ vào thứ năm cho thấy tăng trưởng GDP đã vượt xa mức dự báo trung bình của thị trường là 2.1% và trái ngược so với đà giảm 2.3% trong quý đầu tiên.

GDP cũng ghi nhận đà tăng 0,8% q/q, vượt dự báo tăng 0.5% của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Reuters.

Kazutaka Maeda, chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu Meiji Yasuda, cho biết: "Nhìn chung, kết quả khá tích cực, với dấu hiệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng phục hồi nhờ tăng trưởng tiền lương thực tế".

"Điều này ủng hộ quan điểm của BoJ và củng cố triển vọng tăng lãi suất các đợt tiếp theo, mặc dù ngân hàng trung ương vẫn thận trọng vì động thái nâng lãi suất gần đây nhất đã khiến đồng Yên tăng vọt."

Chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 50% sản lượng kinh tế, tăng 1.0%, cao hơn dự báo tăng 0.5% và ghi nhận mức tăng đầu tiên trong 5 quý.

Chi tiêu tiêu dùng là điểm yếu của nền kinh tế, vốn đã trì trệ trong năm qua khi các hộ gia đình phải vật lộn với chi phí sinh hoạt tăng cao, một phần là vì giá nhập khẩu tăng do đồng Yên yếu.

Thách thức mà Nhật bản phải đối mặt Thủ tướng Fumio Kishida từ chức

Sự bất bình của công chúng về chi phí sinh hoạt tăng cao là một trong những yếu tố khiến Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố rằng ông sẽ từ chức vào tháng tới.

Ông Kengo Tanahashi, chuyên gia kinh tế tại Nomura Securities, cho biết người thay thế ông Kishida có thể kêu gọi một cuộc bầu cử sớm vào mùa thu nếu tỷ lệ ủng hộ cao, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng BoJ khó có khả năng tăng lãi suất trong thời gian đó.

Tanahashi cho biết: "Chúng tôi tin rằng BoJ sẽ tăng lãi suất thêm một đợt nữa vào tháng 10 hoặc tháng 12, nhưng khả năng tăng lãi suất vào tháng 10 đã giảm đáng kể sau quyết định không tái tranh cử của Thủ tướng Kishida".

Bộ trưởng Kinh tế Yoshitaka Shindo cho biết chính phủ kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi dần dần vì các cuộc đàm phán tiền lương vào mùa xuân năm nay diễn ra mạnh mẽ và mức lương tối thiểu sẽ được tăng lên vào tháng 10.

Tuy nhiên, Shindo cũng cảnh báo rằng Nhật Bản cần phải chú ý đến rủi ro suy thoái kinh tế ở nước ngoài và sự biến động của thị trường, vì nhà đầu tư ngày càng lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ, vốn đã gây ra sự sụt giảm lớn trên thị trường tài chính toàn cầu vào tuần trước.

Chỉ số Nikkei đã kết thúc phiên giao dịch buổi sáng với mức tăng 1.01%, chủ yếu nhờ đà tăng trên Phố Wall đêm qua, trong khi đồng Yên ít thay đổi - USD/JPY giao dịch quanh mức 147.38 sau khi công bố dữ liệu GDP.

Tiêu dùng phục hồi

Lượng khách du lịch đổ xô đến vào Nhật Bản đã giúp thúc đẩy doanh số bán lẻ. Fast Retailing, chủ thương hiệu Uniqlo, đã nhấn mạnh sức mạnh của thị trường nội địa trong báo cáo kết quả kinh doanh gần đây, nhờ sự tăng vọt trong doanh số bán hàng miễn thuế.

Chính phủ dự báo chi tiêu của khách du lịch ​​sẽ đạt 8 nghìn tỷ Yên (54.74 tỷ USD) trong năm nay. Chính phủ nhận thấy du lịch là động lực tăng trưởng quan trọng trong một nền kinh tế từ lâu đã chịu áp lực từ tình trạng dân số già hóa.

Chi tiêu vốn, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng do nhu cầu mạnh mẽ từ khu vực tư nhân, tăng 0.9% trong quý 2, phù hợp với dự báo trung bình trong cuộc khảo sát của Reuters. Tuy nhiên, đầu tư kinh doanh có thể chịu áp lực trong những tháng tới khi các nhà xuất khẩu phải đối mặt với áp lực về nhu cầu toàn cầu.

Tháng trước, BoJ đã tăng lãi suất và công bố kế hoạch cắt giảm hoạt động mua trái phiếu chính phủ nhằm loại bỏ dần chính sách kích thích tiền tệ khổng lồ.

Nhật Bản là quốc gia ngoại lệ trên thế giới khi tăng lãi suất trong khi hầu hết các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, đã bắt đầu nới lỏng chính sách hoặc đang đi theo hướng đó.

Marcel Thieliant tại Capital Economics cho biết mức tăng trong chi tiêu tiêu dùng đầu tiên sau hơn một năm này "sẽ khuyến khích BoJ tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm nay".

Reuters

Broker listing

Cùng chuyên mục

Tăng thâm hụt ngân sách: Cả ông Trump và bà Harris đều chung "nước đi" này!
Đặng Thùy Linh

Đặng Thùy Linh

Junior Analyst

Tăng thâm hụt ngân sách: Cả ông Trump và bà Harris đều chung "nước đi" này!

Kamala Harris đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận tổng thống với Trump. Harris nổi bật với tầm nhìn hướng tới tương lai, nhấn mạnh các chủ đề như quyền phá thai, pháp quyền và chính sách đối ngoại liên quan đến chiến tranh ở Ukraine và Gaza. Ngược lại, Trump tập trung vào chỉ trích chính quyền hiện tại mà không đưa ra kế hoạch hay sáng kiến cụ thể.
Cắt giảm 50 bps: Dấu hiệu suy thoái hay bước ngoặt mới của Fed?
Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

Cắt giảm 50 bps: Dấu hiệu suy thoái hay bước ngoặt mới của Fed?

Sau cuộc họp FOMC, Fed đã bắt đầu "bước ngoặt chính sách" bằng việc cắt giảm lãi suất 50 bps, dự kiến tiếp tục nới lỏng trong năm 2024 - 2026, song thị trường cần thận trọng theo dõi các chỉ báo quan trọng như XRT, DBC, DBA và diễn biến của USD để đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô và xu hướng thị trường tài chính.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ