Chiến lược gia BofA: Vàng sẽ vượt xa mốc 3,000 USD/oz
Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Chiến lược gia Michael Hartnett của Bank of America dự báo giá vàng sẽ vượt xa mức $3000/oz, dựa trên tình hình lạm phát toàn cầu. Trong khi đó, giá dầu có thể giảm do suy thoái sản xuất và căng thẳng địa chính trị đang hạ nhiệt.
Thứ Hai tuần trước, tỷ lệ thắng cử của Donald Trump đã tăng mạnh trên các trang cá cược trực tuyến, thu hút sự chú ý của các nhà phân tích tài chính. Dù thị trường có thể không quan tâm nhiều đến việc ai giữa Trump và Kamala Harris sẽ thắng nếu chính phủ rơi vào bế tắc, nhưng chắc chắn sẽ chú ý nếu có một đảng giành quyền kiểm soát toàn diện cả Hạ viện lẫn Thượng viện. Theo Polymarket, khả năng đảng Cộng hòa nắm quyền cả hai viện đang ở mức cao nhất kể từ khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố rút lui. Điều này cho thấy một chiến thắng toàn diện của đảng Cộng hòa có thể tạo ra tác động lớn đến thị trường tài chính, đặc biệt khi các nhà đầu tư ngày càng chú trọng vào tình hình chính trị trong thời điểm bầu cử sắp tới.
Trong báo cáo Flow Show mới nhất, chiến lược gia Michael Hartnett của Bank of America nhấn mạnh rằng dù xác suất thắng cử của Donald Trump hiện đang ở mức 61% so với 49% của Kamala Harris, điều mà thị trường thực sự quan tâm là khả năng một đảng giành quyền kiểm soát toàn diện cả Hạ viện và Thượng viện. Theo Hartnett, khả năng đảng Cộng hòa nắm quyền toàn diện trong cuộc bầu cử sắp tới đã tăng mạnh từ 20% lên 44%, theo số liệu từ oddschecker.com.
Đã xảy ra điều gì vào lần gần nhất đảng Dân chủ dành toàn quyền kiểm soát? Harnett nhắc lại rằng trong lần đảng Cộng hòa giành chiến thắng toàn diện năm 2016, thị trường chứng khoán, giá dầu và USD đã tăng mạnh, trong khi trái phiếu và vàng lại chịu thiệt hại. Hiện tại, diễn biến thị trường cho thấy các ngân hàng, cổ phiếu vốn hóa nhỏ và đồng USD đang phản ánh xu hướng tăng trưởng tương tự, giống như kịch bản của năm 2016, khi nhà đầu tư kỳ vọng vào lợi ích từ một chính phủ kiểm soát toàn diện. Tuy nhiên, vàng và dầu lại đang đi ngược chiều, không hưởng lợi như các tài sản khác, tạo ra sự phân hóa rõ rệt trên thị trường.
Sau đó, Hartnett nhấn mạnh rằng chi tiêu của chính phủ Mỹ đã tăng từ 4.5 nghìn tỷ USD vào năm 2019 lên 6.9 nghìn tỷ USD hiện nay, trong khi nợ công cũng tăng vọt từ 23.2 nghìn tỷ USD lên 35.4 nghìn tỷ USD. Đây là nguyên nhân chính khiến thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ rơi vào xu hướng giảm dài hạn. Hartnett cho biết, cả hai ứng viên tổng thống hiện nay đều không có kế hoạch cân đối ngân sách, khiến nợ công tiếp tục tăng, gây áp lực lên lãi suất trái phiếu và làm cho thị trường này duy trì tình trạng suy yếu.
Và trong khi Mỹ kích thích nền kinh tế thông qua việc gia tăng nợ, các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, cũng đang nỗ lực theo kịp. Trung Quốc đã công bố gói kích thích trị giá 2 nghìn tỷ CNY (tương đương 1.5% GDP) nhằm tăng cường mua sắm bất động sản tư nhân, với mục tiêu nâng tổng giá trị mua lên 4 nghìn tỷ CNY, một con số đáng kể trong khi doanh số bán bất động sản dân cư hàng năm hiện đang ở mức 8 nghìn tỷ CNY. Khác với các gói kích thích trước đây, gói lần này chủ yếu tập trung vào hộ gia đình, điều này đặc biệt quan trọng vì tỷ lệ tiêu dùng của Trung Quốc chỉ chiếm 39% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước mới nổi như Mexico (70%), Brazil (63%) và Ấn Độ (60%). Do đó, Hartnett khuyến nghị các nhà đầu tư nên xem xét mua cổ phiếu tiêu dùng của Trung Quốc để tận dụng tiềm năng tăng trưởng từ chính sách kích thích mới này.
Chúng ta có thể thấy, dòng vốn đổ vào vàng và tiền điện tử tăng đột biến khi các nhà đầu tư rút tiền khỏi tiền mặt, công nghệ, cổ phiếu thị trường mới nổi và Trung Quốc, cụ thể: 23.2 tỷ USD vốn được đổ vào trái phiếu, 1,6 tỷ USD vào tiền điện tử, 1.2 tỷ USD vào vàng. Sau đây là thông tin chi tiết:
Tiền mặt: dòng vốn chảy ra lớn nhất trong 12 tuần (17.4 tỷ USD);
- Vàng: dòng vốn chảy vào lớn nhất trong 12 tuần (1,2 tỷ USD)
- Trái phiếu: dòng vốn chảy vào lớn nhất kể từ tháng 10 năm 2020 (23,2 tỷ USD)
- Trái phiếu IG: dòng vốn chảy vào 5 tuần lớn nhất kể từ tháng 9 năm 2020 (54.9 tỷ USD)
- Cổ phiếu EM: dòng vốn chảy ra lớn nhất kể từ tháng 10 năm 2023 (4.2 tỷ USD)
- Trung Quốc: dòng vốn chảy ra lớn nhất kể từ tháng 7 năm 2015 (4.1 tỷ USD)
- Công nghệ: dòng vốn chảy ra lớn nhất kể từ tháng 6 năm 2024 (1.3 tỷ USD)
Cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra trong 2 tuần nữa, Hartnett đã phân tích tác động của các chiến thắng trước đây của đảng Cộng hòa đến hai loại tài sản quan trọng: vàng và dầu. Theo ông, lịch sử cho thấy khi đảng Cộng hòa giành chiến thắng toàn diện, giá vàng thường có xu hướng giảm, trong khi giá dầu lại tăng mạnh. Tuy nhiên, Hartnett cho rằng tình hình hiện tại có thể không tuân theo quy luật này. Giá vàng, lẽ ra phải giảm do áp lực từ việc đảng Cộng hòa chiến thắng, vẫn ổn định hoặc thậm chí tăng lên do lạm phát cao và sự bất ổn tài chính. Ngược lại, giá dầu hiện đang không đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng:
- Giá vàng ở mức 2,720 USD/oz, mức cao nhất mọi thời đại và cao hơn đáng kể so với mức đỉnh lịch sử trước đó là 2,000 USD/oz vào năm 2020, 1900 USD/oz vào năm 2011. Hartnett cho rằng Fed có kế hoạch cắt giảm lãi suất trong những quý tới, tạo ra áp lực lạm phát. Do đó, các nhà đầu tư cần có biện pháp phòng ngừa trước rủi ro lạm phát và mối đe dọa về việc suy giảm giá trị đồng USD. Việc Bitcoin đạt mức cao kỷ lục 75,000 USD càng làm nổi bật tiềm năng của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn kinh tế. Cuối cùng, Hartnett dự đoán rằng giá vàng có khả năng vượt mức 3,000 USD/oz trong tương lai gần.
- Không giống như vàng ở mức cao kỷ lục, dầu đang có giá 70 USD/thùng, thấp hơn đáng kể so với các đỉnh lịch sử trước đó (ví dụ: 124 USD/thùng vào năm 2022, 145 USD/thùng vào năm 2008). Giá dầu bị chi phối chủ yếu bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các vấn đề địa chính trị. Hartnett dự đoán rằng năm 2024 sẽ chứng kiến suy thoái trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu, trong khi các nhà đầu tư đang kỳ vọng căng thẳng địa chính trị giữa Nga/Ukraine, Trung Quốc/Đài Loan và Trung Đông sẽ giảm bớt. Nếu viễn cảnh này xảy ra, giá dầu có thể giảm trong những quý tới. Hartnett cũng lưu ý rằng việc giá dầu giảm có thể khiến Mỹ không còn vượt trội so với các quốc gia khác, do Mỹ thường phụ thuộc lớn vào các xung đột địa chính trị nhờ vào các ngành công nghiệp công nghệ cao và quốc phòng, cùng với sự độc lập về năng lượng. Ngược lại, các nước châu Âu và châu Á, vốn là các nhà nhập khẩu năng lượng, sẽ hưởng lợi từ việc giá dầu giảm.
Zerohedge