Chính quyền tổng thống Biden phản đối quyết định hạ cấp tín nhiệm của Fitch
Đức Nguyễn
FX Strategist
Các quan chức chính quyền Biden đã phản đối gay gắt quyết định hạ tín nhiệm Hoa Kỳ của Fitch Ratings và tìm cách kiểm soát hậu quả chính trị và kinh tế.
Quyết định của Fitch được đưa ra hai tháng sau bế tắc về việc nâng giới hạn nợ của Hoa Kỳ, cho thấy khó khăn Washington gặp phải trong việc vượt qua xung đột đảng phái để thực hiện các chức năng cơ bản của chính phủ.
Các quan chức đã nhấn mạnh rằng hoạt động quản trị tài chính của Hoa Kỳ rất ổn định. Họ nói đã không thành công trong việc tìm cách nói chuyện với Fitch về việc hạ cấp trước thông báo.
“Quyết định của Fitch không thay đổi điều mà người Mỹ, nhà đầu tư và mọi người trên toàn thế giới đã biết: rằng trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn là tài sản thanh khoản cao và an toàn ưu việt của thế giới, và nền kinh tế Mỹ về cơ bản vẫn vững mạnh,” Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói trong tuyên bố.
Trong một cuộc gọi với các phóng viên, các quan chức khác đã bác bỏ quyết định này, gọi đó là vô căn cứ và bất chấp lẽ thường. Các quan chức cho biết việc hạ cấp là một phản ứng với hành vi liều lĩnh dưới thời Tổng thống Donald Trump, và được đưa ra bất chấp bằng chứng cho thấy nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ sau suy thoái nghiêm trọng trong đại dịch Covid-19.
Các quan chức cho biết Fitch đã nhiều lần viện dẫn những lo ngại về tác động của cuộc tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1/2021, khi những người ủng hộ tổng thống Trump cố gắng ngăn chặn việc xác nhận cuộc bầu cử của tổng thống Joe Biden. Ông Trump đã bị truy tố về các cáo buộc hình sự liên bang liên quan đến vụ tấn công và những nỗ lực của ông nhằm lật ngược cuộc bầu cử.
Có rất ít khả năng động thái của Fitch sẽ thay đổi triển vọng chính sách của Hoa Kỳ, vẫn là xung đột tài chính nhiều hơn là ổn định. Chính phủ sẽ đóng cửa ngay sau ngày 1/10 khi Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ tranh luận về khoảng cách 120 tỷ USD chi tiêu cho năm tài khóa 2024.
Không có hành động thực tế nào sắp tới để giải quyết những thách thức tài khóa rộng hơn mà Fitch đề cập đến khi hạ cấp. Đề xuất ngân sách của tổng thống Biden, sẽ sử dụng việc tăng thuế đối với các tập đoàn và người giàu để giảm thâm hụt, đã chết yểu tại Quốc hội. Đảng Cộng hòa tại Hạ viện và Đảng Dân chủ tại Thượng viện đã không đưa ra được nghị quyết ngân sách của riêng họ để đáp lại.
Fitch cho rằng sự xuống cấp trong quản trị của Hoa Kỳ là một lý do hạ tín nhiệm. Cơ quan xếp hạng nhấn mạnh sự bế tắc về trần nợ và thâm hụt ngân sách cao là lý do khiến họ lạm vậy, cùng với những thách thức cấp vốn dài hạn cho An sinh xã hội và Medicare.
Thị trường sụp đổ
Chính phủ đã tìm cách giảm bớt lo ngại về tác động, với các quan chức dự đoán việc hạ cấp tín nhiệm sẽ có tác động tối thiểu đến chi phí vay thực tế của Hoa Kỳ.
Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ tăng trong phiên Á sau thông báo.
Sau khi S&P hạ tín nhiệm của Hoa Kỳ vào tháng 8/2011 sau cuộc chiến trần nợ đưa nước này đến bờ vực vỡ nợ, các chỉ số chứng khoán lao dốc nhưng lợi suất trái phiếu giảm khi các nhà đầu tư chuyển sang tài sản an toàn. Trớ trêu thay, điều đó lại làm giảm chi phí đi vay của chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, phản ứng của thị trường vào năm 2011 diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng nợ chính phủ châu u, khiến nợ Mỹ hấp dẫn hơn.
Hành động của Fitch có khả năng khơi lại các cuộc chiến tài chính của Washington. Và nó diễn ra đúng giai đoạn chiến dịch tranh cử tổng thống đang tăng tốc trước cuộc bầu cử năm 2024, trong đó việc xử lý nền kinh tế của ông Biden sẽ là trọng tâm.
Đây là tín hiệu trái chiều với các quan chức Washington. Các đảng viên Đảng Dân chủ tại Quốc hội nắm bắt cơ hội hạ bậc tín nhiệm để đổ lỗi cho đảng Cộng hòa vì đã trì hoãn việc tăng trần nợ của Hoa Kỳ để đổi lấy việc cắt giảm chi tiêu. Cuối cùng, tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được thỏa thuận chi tiêu vào cuối tháng Năm.
“Việc Fitch hạ tín nhiệm cho thấy rằng chính sách liều lĩnh của các đảng viên Đảng Cộng hòa ở Hạ viện đã gây ra những hậu quả tiêu cực cho đất nước. Đảng Cộng hòa cần học từ những sai lầm của họ và không bao giờ được đẩy đất nước của chúng ta đến bờ vực vỡ nợ nữa.” Lãnh đạo Đảng đa số Thượng viện Chuck Schumer cho biết.
Ngược lại, các đảng viên Cộng hòa cho rằng việc hạ bậc chỉ là một ví dụ khác về việc Biden xử lý sai nền kinh tế.
Jack Pandol, phát ngôn viên chiến dịch đảng Cộng hòa Hạ viện, cho biết nguyên nhân của việc hạ cấp tín nhiệm này là “Bidenomics”.
Tổng thống Biden đã sử dụng thuật ngữ Bidenomics để giải thích cho chính sách kinh tế của mình, đi khắp đất nước trong những tuần gần đây để ca ngợi những thành tựu của chính quyền của ông trong nỗ lực cải thiện tín nhiệm của mình về cách ông điều hành nền kinh tế.
Các đảng viên Đảng Dân chủ và tổng thống đã phấn chấn trong những tuần gần đây nhờ dữ liệu tăng trưởng GDP mạnh mẽ, nguy cơ suy thoái giảm dần, sản xuất bùng nổ và lạm phát hạ nhiệt.
Bế tắc tài khóa
Tuy nhiên, các thách thức tài khóa dài hạn của Hoa Kỳ vẫn chưa có tiến triển. Về An sinh xã hội, không đảng nào đưa ra kế hoạch giải quyết tình trạng thiếu hụt quỹ ủy thác có thể dẫn tới nguy cơ bị cắt giảm phúc lợi trong thập kỷ tới. Các đề xuất của ông Biden không giải quyết được đầy đủ cho tình hình của quỹ ủy thác Medicare.
Bế tắc trần nợ trong tương lai cũng có vẻ không thể tránh khỏi. Thỏa thuận nợ gần đây sẽ đưa vấn đề trở lại vào ngày 1/1/2025. Nhà Trắng đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm nội bộ để tìm ra cách tránh một cuộc khủng hoảng trần nợ khác, nhưng ban hội thẩm không có sự ủng hộ của đảng Cộng hòa, những người cho rằng mức trần một lần nữa chứng minh là một công cụ hữu ích trong năm nay để buộc cắt giảm chi tiêu.
Đảng Cộng hoa đang chuẩn bị dành khoảng 3.5 nghìn tỷ USD để gia hạn chính sách cắt giảm thuế được thông qua dưới thời chính quyền Trump, có khả năng làm xói mòn thêm bức tranh tài chính của Hoa Kỳ, nếu giành được toàn bộ quyền lực trong cuộc bầu cử tiếp theo.
Theo bà Maya MacGuineas, chủ tịch Ủy ban về Ngân sách Liên bang có trách nhiệm “việc hạ tín nhiệm hôm nay sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh. Cho dù có đồng ý với quyết định hạ tín nhiệm chính phủ Hoa Kỳ của Fitch hay không, rõ ràng ta đang đi trên con đường tài khóa không bền vững. Chúng ta cần phải làm tốt hơn."
Bloomberg