Chính sách đối ngoại của Trump: Con đường tắt biến nước Mỹ từ "siêu cường" trở thành "siêu cô đơn"?
Quỳnh Chi
Junior Editor
Việc cắt đứt liên minh, phá vỡ thương mại, "sùng bái" các nhà độc tài và từ bỏ vai trò lãnh đạo của Mỹ chỉ sẽ gieo rắc sự hỗn loạn và nỗi thất bại.
Cương lĩnh của Đảng Cộng hòa tóm tắt chính sách đối ngoại của Donald Trump là "hòa bình trở lại thông qua sức mạnh". Tuy nhiên, nếu cựu tổng thống giữ vững những lời hứa mơ hồ và mâu thuẫn của mình, điều ngược lại có nhiều khả năng xảy ra hơn.
Đó tất nhiên là một giả định lớn. Các cựu cố vấn tự nhận đang lạc quan gán ghép tầm nhìn của Trump với quan điểm của chính họ. Bản thân Trump không hoàn toàn phù hợp với bất kỳ phe nào trong ba phe đang bị chia rẽ của đảng Cộng hoà - những người theo truyền thống muốn Mỹ quyết đoán hơn trên toàn cầu, những người theo chủ nghĩa biệt lập thích rút lui khỏi các cam kết quốc tế, và những người hawkish muốn tập trung vào Trung Quốc và cho rằng nên chuyển nguồn lực và sự chú ý sang châu Á. Trump vẫn bị ám ảnh bởi những thỏa thuận hào nhoáng có thể nâng cao danh tiếng và tỷ lệ ủng hộ của ông.
Tuy nhiên, một số ám ảnh rõ ràng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump có thể sẽ được tiếp tục trong nhiệm kỳ thứ hai. Giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc - bằng cách áp thuế lên tới 60% sẽ là điều ưu tiên; trong khi bảo vệ Đài Loan có thể sẽ không phải ưu tiên nữa. Các đồng minh có thể bị coi là những “kẻ ăn bám”, trong khi những nhà độc tài như Vladimir Putin và Tập Cận Bình được tôn trọng quá mức. Chính sách Trung Đông sẽ phù hợp với nhu cầu của Israel và Ả Rập Saudi. Đồng thời, Mỹ sẽ thu hẹp các cam kết toàn cầu, bắt đầu bằng việc cắt giảm viện trợ cho Ukraine.
Cử tri nên lưu ý hai điều. Thứ nhất, những chính sách như vậy đã không thực sự hiệu quả ngay từ đầu. Thuế quan không đưa các nhà máy trở về từ Trung Quốc hay buộc Bắc Kinh phải mua nhiều hàng hóa Mỹ hơn. Các đồng minh tăng ngân sách quốc phòng chủ yếu do cuộc xâm lược Ukraine của Nga và sự quyết đoán của Trung Quốc, chứ không phải vì áp lực từ Mỹ. Ngoài Hiệp định Abraham nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Hồi giáo, và thỏa thuận thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada cập nhật, các thỏa thuận của Trump thường mang tính biểu tượng hơn là thực chất. Các chiến dịch gây sức ép ồn ào chống lại Iran và Triều Tiên không kìm hãm được cả hai nước.
Thứ hai, bối cảnh toàn cầu đã trở nên đáng lo ngại hơn. Trung Quốc, Iran, Triều Tiên và Nga đang hợp tác chặt chẽ hơn - chia sẻ vũ khí, đạn dược và công nghệ quốc phòng. Họ đang học cách bảo vệ nền kinh tế của mình, vượt qua các lệnh trừng phạt và chống lại lợi thế quân sự của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ đang phải vật lộn để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và hồi sinh cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình.
Chương trình nghị sự của Trump có nhiều khả năng làm suy yếu, không hề củng cố vị thế toàn cầu của Mỹ. Mong muốn chấm dứt chiến tranh ở Ukraine của ông có nguy cơ chọc giận Putin và gây nguy hiểm cho các quốc gia tuyến đầu của châu Âu. Việc gây nghi ngờ về cam kết phòng thủ của Mỹ có thể làm suy yếu liên minh NATO ngay cả khi Mỹ không chính thức rút lui. Người kiên định với đường lối nghĩ rằng Washington có thể bỏ qua những gì xảy ra ở châu Âu để tập trung vào Trung Quốc mà bỏ qua việc Bắc Kinh sẽ rất hài lòng khi thấy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bị phá vỡ. Hơn nữa, Tập Cận Bình sẽ càng coi mình may mắn hơn nếu Trump làm suy yếu mối quan hệ với các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Úc.
Ở Trung Đông, sự ủng hộ vô điều kiện đối với chính phủ Israel hiện tại sẽ từ bỏ hy vọng lôi kéo Ả Rập Saudi vào Hiệp định Abraham và xây dựng liên minh khu vực chống Iran. Trong khi đó, việc tăng cường các lệnh trừng phạt đối với chế độ Tehran sẽ là một giải pháp thay thế kém hiệu quả, đặc biệt là khi có sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc đối với Iran.
Quan trọng nhất, chính sách mà Trump nói rõ nhất - mong muốn áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu ngoài thuế đối với Trung Quốc - sẽ khiến người tiêu dùng và các công ty Mỹ phải trả giá trong khi không làm nhiều để khuyến khích tái sản xuất. Bloomberg Economics ước tính hai biện pháp này sẽ làm giảm 0.5% GDP của Mỹ và tăng 2.5% giá tiêu dùng sau hai năm. Ngoài ra, sự ác cảm của cả hai đảng đối với các thỏa thuận thương mại sẽ làm suy yếu nỗ lực mở các thị trường mới và tranh thủ sự ủng hộ chống lại chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc.
Trump đúng về một điều: Thế giới nguy hiểm và hỗn loạn hơn khi ông rời nhiệm sở vào năm 2020. Nhưng việc cắt đứt liên minh, phá vỡ thương mại, “sùng bái” các nhà độc tài và từ bỏ vai trò lãnh đạo của Mỹ sẽ chẳng giúp ích được gì.
Bloomberg