Chờ đợi gì từ những tín hiệu vĩ mô từ Trung Quốc và Nhật Bản?
Nguyễn Thanh Thùy Dung
Junior Analyst
Dữ liệu kinh tế quan trọng từ Trung Quốc và Nhật Bản, và quyết định lãi suất của Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) có thể là động lực chính cho thị trường châu Á trong tuần này, khi các nhà đầu tư ngày càng lo lắng về triển vọng vĩ mô toàn cầu và Hoa Kỳ.
Chứng khoán thế giới đã kết thúc tuần trước trong tình trạng bấp bênh do những lo ngại về trần nợ của Hoa Kỳ, điều kiện tín dụng và tác động tích lũy từ chu kỳ thặt chặt mạnh tay của Fed lên nền kinh tế.
Đây là một số vấn đề được thảo luận tại cuộc họp 3 ngày của nhóm các nước G-7 đã kết thúc vào thứ Bảy.
Chỉ số MSCI World giảm 0.5%, không quá mạnh, nhưng đây là tuần giảm thứ hai liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng ngân hàng Hoa Kỳ nổ ra hai tháng trước.
Tuy nhiên, cổ phiếu châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) tăng nhẹ trong tuần thứ 2 liên tiếp, đây cũng là điều chưa từng thấy kể từ đầu tháng Ba.
Nếu các cổ phiếu công nghệ của Hoa Kỳ đang tăng mạnh - Nasdaq tăng tuần thứ ba và sự phục hồi của Phố Wall trong năm nay hoàn toàn nhờ vào các cổ phiếu từ các công ty tập trung vào AI, theo SocGen - thì mảng công nghệ châu Á đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Chỉ số công nghệ Hang Seng đã ghi nhận tuần giảm thứ sáu liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ giữa năm 2015 khi những chấn động đầu tiên trên thị trường chứng khoán Trung Quốc được nhận thấy và chỉ vài tuần trước khi Bắc Kinh phá giá đồng Nhân dân tệ.
Các chỉ số kinh tế mới nhất của Trung Quốc đều rất kém kỳ vọng. Lạm phát và nhập khẩu lao dốc vào tháng 4, gây nghi ngờ nghiêm trọng về sức mạnh phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch và làm tăng kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách nhiều hơn.
Dữ liệu sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ và tài sản cố định tháng 4 được công bố trong tuần này sẽ cho thấy một bức tranh toàn cảnh hơn. Nếu các dữ liệu thực tế thấp hơn kỳ vọng của thị trường có thể sẽ làm tăng áp lực bán đối với chứng khoán Trung Quốc - Shanghai Composite có tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 3, đồng thời giảm tuần thứ 5 liên tiếp.
Số liệu GDP quý đầu tiên của Nhật Bản sẽ được công bố vào thứ Tư và có lẽ quan trọng hơn, số liệu lạm phát mới nhất sẽ được công bố vào thứ Sáu.
Lạm phát cơ bản cao hơn nhiều so với mức mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mong muốn và dự kiến sẽ tăng trở lại mức 3.4% vào tháng Tư. Mặc dù tân Thống đốc BOJ Kazuo Ueda khẳng định rằng ông sẽ chậm lại trong việc đảo ngược chính sách siêu nới lỏng, nhưng một số nhà phân tích kỳ vọng BOJ sẽ từ bỏ việc kiểm soát đường cong lợi suất vào mùa hè này.
Các nhà đầu tư đang chờ xem kết quả bầu cử của Thái Lan có thể thay đổi cán cân quyền lực ra sao và số liệu GDP quý I sẽ được công bố vào thứ Hai, cùng ngày Ngân hàng trung ương Philippines công bố quyết định lãi suất, dự kiến giữ nguyên ở mức 6.25%.
Dưới đây là ba diễn biến chính có thể cung cấp thêm định hướng cho thị trường vào thứ Hai:
- GDP Thái Lan (Quý I)
- Lạm phát bán buôn của Ấn Độ (tháng 4)
- Lạm phát giá hàng hóa doanh nghiệp Nhật Bản (tháng 4)
Investing.com