Chủ đề lạm phát vẫn sẽ là trọng tâm trong quý III
Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới vẫn cam kết sẽ đưa lạm phát trở lại mục tiêu. Cho đến nay, trong năm 2024, điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn với các thiết lập lãi suất thắt chặt. Lạm phát đang giảm, nhưng tiến độ diễn ra chậm và không đồng đều.
Các ngân hàng trung ương đã bắt đầu nới lỏng chính sách vẫn đang rất trọng, vì chính sách vẫn cần phải khá thắt chặt để đưa lạm phát trở lại mục tiêu. Họ không vội vàng bước vào chu kỳ nới lỏng một cách nhanh chóng. Đối với những ngân hàng có đủ tự tin để cắt giảm, nhiều tiêu chí đã được xem xét, bao gồm động lực và thành phần của lạm phát hiện tại, diễn biến dự kiến của lạm phát trong tương lai và hiệu quả của các thiết lập chính sách trong việc kiềm chế nhu cầu.
Kỳ vọng của hộ gia đình và doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng đối với lạm phát và tăng trưởng tiền lương. Đối với hầu hết các nền kinh tế mà ANZ Research theo dõi, dù đã đạt được tiến triển trên mọi mặt, nhưng lạm phát vẫn chưa trở lại mục tiêu một cách bền vững.
Điều đó không có nghĩa là chính sách không đủ thắt chặt. Chỉ là lạm phát dịch vụ mất nhiều thời gian hơn một chút để ổn định và hướng đến mục tiêu. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ đã có khả năng nâng giá dịch vụ của mình sau đại dịch. Mặc dù người tiêu dùng cũng rất nhạy cảm với giá cả, họ có thể hạn chế chi tiêu hoặc tìm kiếm các lựa chọn thay thế rẻ hơn, nhưng chi phí đầu vào cao, sự thiếu cạnh tranh trong một số lĩnh vực dịch vụ đã khiến lạm phát của lĩnh vực này giảm chậm.
Do đó, ANZ Research đã tăng nhẹ dự báo lạm phát trung bình ở nhiều nền kinh tế và thu hẹp phạm vi nới lỏng tiền tệ dự kiến cho năm 2024. Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm nhất vào tháng 9.
Tại Úc và New Zealand, ANZ Research đã lùi thời điểm dự kiến cắt giảm lãi suất đầu tiên sang tháng 2/2025. Tại Châu Á trừ Trung Quốc, chỉ có Ấn Độ và Hàn Quốc được dự báo sẽ cắt giảm lãi suất vào năm 2024 và sẽ chỉ cắt giảm một lần 25 bps.
Tuy nhiên, ANZ Research ngày càng tự tin hơn rằng quá trình giảm lạm phát phát đã được thực hiện tốt ở Mỹ. Chi tiêu bán lẻ đã chậm lại đáng kể, nhu cầu lao động đang suy yếu và tăng trưởng tiền lương đang chậm lại. Việc loại trừ các mặt hàng như bảo hiểm xe cơ giới khỏi CPI lõi cho thấy lạm phát đang hướng về mục tiêu một cách bền vững.
Nếu dữ liệu lạm phát gần đây tiếp tục được cải thiện, Fed sẽ có thể thực hiện hai đợt cắt giảm lãi suất 25 bps trong năm nay, một đợt vào tháng 9 và một đợt vào tháng 12.
Quá trình giảm lạm phát cũng diễn ra ở eurozone, nhu cầu vẫn ở mức thấp hơn tiềm năng kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Điều đó cho phép ECB thừa nhận sự cải thiện đáng kể về tiến trình kiểm soát lạm phát bằng cách cắt giảm lãi suất vào tháng 6.
ANZ Research tin tưởng rằng các thiết lập của ECB sẽ giúp lạm phát giảm nhiều hơn nữa và kỳ vọng ECB sẽ cắt giảm lãi suất thêm 2 lần nữa trong nửa cuối năm, với tổng cộng 50 bps.
Cho đến nay, các nền kinh tế nói chung đã tránh được sự suy giảm tăng trưởng mặc dù vẫn đang thắt chặt chính sách. Suy thoái kỹ thuật ở New Zealand và Vương quốc Anh trong nửa cuối năm 2023 đã kết thúc nhanh chóng.
Trên toàn cầu, thị trường lao động vẫn mạnh mẽ, ngay cả khi tái cân bằng, thậm chí ở nhiều khu vực, số việc làm vẫn đang tăng vượt kỷ lục. ANZ Research kỳ vọng những chính sách thắt chặt sẽ khiến thị trường lao động tái cân bằng hơn nữa. Chi tiêu tài chính cao hơn, chi tiêu hộ gia đình bị hạn chế cũng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro giảm tăng trưởng.
Tại Mỹ, dù Fed vẫn giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 23 năm, các hộ gia đình Mỹ chỉ phải trả mức chi phí tương đương với năm 2019 do lãi suất cố định của các khoản vay thế chấp dài hạn. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho họ và duy trì sức chi tiêu, điều này có lợi cho các nền kinh tế và ngành xuất khẩu phụ thuộc vào chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ.
Nhiều nền kinh tế châu Á ngoài Trung Quốc và Ấn Độ phụ thuộc vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng. Điều này là nhờ sự tiêu dùng ở Mỹ. Đồng thời, họ cũng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Mặc dù nền kinh tế xuất khẩu đang được hỗ trợ, chi tiêu cá nhân trong khu vực châu Á đang giảm hoặc thay đổi, có thể do nhu cầu nội địa yếu hơn hoặc những yếu tố khác. Đồng thời, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, sản xuất, hoặc các lĩnh vực khác có thể không tăng đều mà chỉ gia tăng ở một số lĩnh vực hoặc quốc gia cụ thể.
Sự chậm lại của nền kinh tế Mỹ là rủi ro lớn đối với châu Á. Trong khi các nước châu Á khác có thể gặp khó khăn, Ấn Độ đang có mức tăng trưởng kinh tế tích cực. Các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của Ấn Độ như chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, số hóa và các kế hoạch tăng trưởng tham vọng trong các ngành sản xuất và dịch vụ vẫn đang được duy trì.
Nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục phải chống chọi với những trở ngại, bao gồm bất động sản và tình trạng dư thừa năng lực trong lĩnh vực sản xuất. Việc giải quyết những vấn đề này sẽ mất thời gian nhưng do mức độ chủ động chính sách cao, ANZ Research dự kiến nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 4.9% vào năm 2024 và 4.5% vào năm 2025.
ANZ Research đang chú ý đến ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ đối với tăng trưởng kinh tế và lạm phát ở New Zealand, đặc biệt là khi các biện pháp này bắt đầu phát huy hiệu quả sau một khoảng thời gian.
Tại Úc, kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng vào nửa cuối năm 2024 và kéo dài đến năm 2025. Tiêu dùng của chính phủ cũng như đầu tư kinh doanh đang diễn ra sẽ hỗ trợ nhu cầu. ANZ Research dự kiến RBA sẽ vẫn tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro lạm phát và dự đoán RBA sẽ chỉ cắt giảm lãi suất 1 lần trong năm nay và 75 bps vào năm 2025.
ANZ.com