Chứng khoán châu Á giảm điểm mạnh sau khi Fed phát tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn
Trà Giang
Junior Editor
Thị trường chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ vào sáng thứ Năm, phản ứng trước những diễn biến tiêu cực từ thị trường Mỹ. Nguyên nhân chính đến từ thông điệp mới của Fed về việc có thể sẽ không vội vàng cắt giảm lãi suất trong năm 2025 như kỳ vọng trước đó của thị trường.
Phản ứng của nhà đầu tư với thông tin này khá mạnh, thể hiện qua việc chỉ số S&P 500 của Mỹ ghi nhận mức giảm điểm sâu nhất kể từ năm 2001. Điều này đã nhanh chóng lan rộng sang thị trường châu Á, khiến tâm lý giao dịch trở nên thận trọng và bi quan hơn.
Động thái này cho thấy Fed vẫn đang đặt ưu tiên vào việc kiểm soát lạm phát, thay vì vội vàng nới lỏng chính sách tiền tệ như nhiều nhà đầu tư kỳ vọng.
Tại Nhật Bản, thị trường mở cửa trong sắc đỏ, bên cạnh đó chỉ số ASX 200 của Úc giảm sâu hơn 2%. Hợp đồng tương lai chứng khoán chỉ số chứng khoán tại Hồng Kông cũng giao dịch yếu đi, báo hiệu áp lực giảm giá. Trong khi đó, hợp đồng tương lai của chỉ số S&P 500 gần như không thay đổi sau phiên giảm mạnh ngày thứ Tư, cho thấy sự dè dặt của nhà đầu tư trong việc dự đoán xu hướng sắp tới.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ổn định trong phiên giao dịch đầu ngày sau khi tăng mạnh vào ngày trước đó. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm, tăng hơn 10 bps, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên vượt mốc 4.5% kể từ tháng 5. Những diễn biến này làm nổi bật sự dịch chuyển dòng vốn khỏi các tài sản rủi ro trong bối cảnh lãi suất cao kéo dài.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số DXY duy trì mức tăng gần 1%, đạt mức cao nhất kể từ năm 2022. USD/JPY giảm nhẹ trước quyết định của BoJ, nhưng đồng USD mạnh khiến các đồng tiền khác tại châu Á chịu áp lực lớn. Đặc biệt, USD/KRW tăng lên mức cao nhất trong hơn 15 năm.
Theo ông Tomo Kinoshita, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco Asset Management Japan, thị trường tiền tệ và chứng khoán châu Á sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực trong vài ngày tới. Ông nhận định: "Phản ứng tiêu cực của thị trường đối với quyết định từ FOMC khiến BoJ càng khó nâng lãi suất trong bối cảnh hiện tại."
Chỉ số BBDXY tăng lên mạnh nhất kể từ 2022
Tại Úc, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh, phản ánh sự bán tháo tương tự trên thị trường trái phiếu Mỹ. Trong khi đó, tại New Zealand, lợi suất trái phiếu không biến động nhiều dù nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái khi GDP quý III giảm mạnh hơn dự báo.
Quyết định lãi suất của Fed và triển vọng chính sách
Trong cuộc họp ngày thứ Tư, Fed quyết định cắt giảm lãi suất 25 bps, đưa mức lãi suất chính sách xuống khoảng 4.25 - 4.5%. Tuy nhiên, báo cáo dự báo kinh tế hàng quý cho thấy nhiều quan chức Fed đã hạ kỳ vọng về số lần cắt giảm lãi suất trong năm 2025. Theo dự báo mới nhất, lãi suất chính sách sẽ giảm xuống mức 3.75% - 4% vào cuối năm 2025, tương đương hai lần cắt giảm lãi suất 25 bps.
Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng NHTW sẽ duy trì cách tiếp cận hawkish trong các động thái tiếp theo. Ông tuyên bố: "Chúng tôi cần thấy những tiến bộ rõ rệt hơn trong việc giảm lạm phát. Trong khi các bước đi trước đây đã nhanh chóng đưa chúng ta tới mức hiện tại, thì từ đây trở đi, chúng tôi sẽ tiến hành chậm rãi hơn."
Phản ứng từ chuyên gia
Ông Max Gokhman, Phó Chủ tịch cấp cao tại Franklin Templeton Investment Solutions, nhận định Chủ tịch Fed Jerome Powell đang thể hiện quan điểm thắt chặt tiền tệ dưới vẻ dovish. Theo vị chuyên gia này, mặc dù Powell ghi nhận những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế, ông cũng bày tỏ lo ngại về áp lực lạm phát vẫn còn dai dẳng.
"Dự kiến hai đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2025 là một phần trong chiến lược duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed, thay vì phản ánh xu hướng nới lỏng như nhiều người kỳ vọng," ông Gokhman phân tích thêm.
Bà Whitney Watson, đồng Trưởng bộ phận Quản lý Thanh khoản và Thu nhập Cố định tại Goldman Sachs Asset Management, dự đoán Fed sẽ tạm dừng cắt giảm lãi suất trong tháng 1/2025 và bắt đầu nới lỏng từ tháng 3. Bà cho rằng: "Fed đã kết thúc năm 2024 với ba lần cắt giảm liên tiếp, nhưng kế hoạch cho năm 2025 dường như sẽ là giảm tốc độ điều chỉnh chính sách."
Nguy cơ đóng cửa chính phủ Mỹ và diễn biến thị trường quốc tế
Ngoài quyết định từ Fed, nguy cơ chính phủ Mỹ đóng cửa cũng trở thành tâm điểm chú ý. Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố ông phản đối dự luật ngân sách hiện tại, đe dọa làm gián đoạn một giải pháp tạm thời để duy trì hoạt động chính phủ đến giữa tháng 3. Nếu dự luật thất bại, một phần chính phủ Mỹ có thể ngừng hoạt động ngay từ thứ Bảy tuần này.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu giảm do đồng USD tăng mạnh, làm giảm nhu cầu mua vào từ các nhà nhập khẩu quốc tế. Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng, trong khi Bitcoin giao dịch ở khoảng 100,000 USD.
Trong tuần này, các quyết định lãi suất từ nhiều ngân hàng trung ương lớn khác cũng đang được chú ý. Các quốc gia như Nhật Bản, Philippines, Đài Loan, Anh, Na Uy, Thụy Điển và Mexico dự kiến sẽ công bố chính sách lãi suất mới vào thứ Năm. Tại Trung Quốc, lãi suất cho vay trung hạn kỳ hạn một năm có thể được công bố bất kỳ lúc nào trước ngày 24/12.
Bloomberg