Chứng khoán châu Á tăng điểm theo đà của phố Wall trước thềm thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại
![Ngọc Lan Ngọc Lan](/uploads/2024/03/25/photo2024-03-2510-57-50-dabba39aea047eee20b30bc5ac55be64.jpg)
Ngọc Lan
Junior Editor
Thị trường chứng khoán châu Á được kỳ vọng khởi sắc trong bối cảnh các trader đang theo dõi sát sao diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và báo cáo tài chính từ các gã khổng lồ công nghệ Phố Wall. Thị trường Trung Quốc dự kiến sẽ giao dịch trở lại vào ngày hôm nay.
![](/uploads/2025/02/05/641d38a2-31e8-4b19-aba5-5e7b27cfbbc2-091d7ab183b2f47dcff311af34fade3d.jpeg)
Chứng khoán Úc ghi nhận đà tăng tích cực, trong khi HĐTL cổ phiếu tại Nhật Bản và Hồng Kông cũng cho thấy tín hiệu khả quan. Trong khi đó, HĐTL cổ phiếu Mỹ lại giảm nhẹ sau khi cổ phiếu Alphabet (công ty mẹ của Google) và Advanced Micro Devices sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch mở rộng. Trước đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã hồi phục ấn tượng nhờ làn sóng "mua bắt đáy" (dip-buying) mạnh mẽ, thể hiện qua việc chỉ số Bloomberg theo dõi nhóm "Magnificent 7" - bảy công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất - đã bứt phá 1.7%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ suy giảm trong phiên giao dịch ngày hôm qua, tạo áp lực lên đồng USD.
Những động thái đầu tiên trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gần đây cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đang theo đuổi chiến lược thận trọng hơn so với giai đoạn đầu nhiệm kỳ trước của Tổng thống Donald Trump. Sau khi Washington đưa ra những nhượng bộ phút chót cho Canada và Mexico, mức thuế 10% áp lên hàng hóa Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực vào hôm thứ Ba. Đáp lại, Bắc Kinh lập tức công bố kế hoạch áp thuế bổ sung lên khoảng 80 mặt hàng, dự kiến thực thi từ ngày 10/2. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đặt kỳ vọng vào khả năng các cuộc đàm phán sắp tới sẽ giúp giảm bớt căng thẳng.
"Chúng tôi nhận thấy có cơ sở hợp lý để tin rằng tác động thực tế từ các biện pháp thuế quan này sẽ không nghiêm trọng như dự đoán ban đầu," ông Todd Ahlsten - chuyên gia tại Parnassus Investments nhận định. "Những động thái này nhiều khả năng chỉ là bước đi đầu tiên trong một tiến trình đàm phán lớn hơn, và điều này có thể giúp giảm thiểu đáng kể tác động cuối cùng của chúng."
Nhóm các cổ phiếu công nghệ dẫn dắt đà phục hồi của thị trường
Tại thị trường châu Á, giới đầu tư Trung Quốc đang trong tình trạng hết sức căng thẳng trước thềm phiên giao dịch trở lại vào ngày hôm nay, khi cuộc chiến thuế quan đang làm đảo lộn toàn bộ cục diện đầu tư. Mức độ biến động được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao khi các nhà đầu tư vừa phải chuẩn bị cho kịch bản căng thẳng leo thang, vừa cần phòng vệ trước khả năng xuất hiện bước đột phá bất ngờ. Đồng Nhân dân tệ giao dịch tại thị trường hải ngoại đã phục hồi sau đợt sụt giảm đột ngột trong phiên thứ Ba. Đáng chú ý, cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông thể hiện khả năng chống chịu ấn tượng, trong khi chỉ số đo lường các doanh nghiệp Trung Quốc giao dịch tại Mỹ đã bứt phá 2.7%.
"Tôi vẫn giữ quan điểm rằng các biện pháp thuế quan của Trump chỉ là quân bài đàm phán, và chúng tôi có cơ sở vững chắc để tin rằng Bắc Kinh có thể sẽ nghiêm túc trong việc đàm phán," ông Christopher Wong, chiến lược gia tại Ngân hàng Oversea-Chinese Banking nhận định. "Bất kỳ tín hiệu tích cực nào từ cuộc đối thoại giữa ông Tập và Trump, hay việc hai quốc gia bày tỏ thiện chí hướng tới một thỏa thuận chung, đều có thể được xem như một lệnh đình chiến tạm thời và sẽ hỗ trợ tâm lý thị trường."
Trong diễn biến khác, theo tiết lộ từ một cựu Giám đốc điều hành, BoJ nhiều khả năng sẽ tiếp tục nâng lãi suất điều hành lên mức vượt xa kỳ vọng hiện tại của thị trường. Đồng Yên đã tăng giá mạnh, tỷ giá USD/JPY giảm về mốc 154 trong phiên thứ Ba.
Đáng chú ý, theo các nguồn tin, chính quyền Panama đang xem xét khả năng chấm dứt hợp đồng với tập đoàn có trụ sở tại Hồng Kông - đơn vị đang vận hành hệ thống cảng biển gần Kênh đào Panama.
Tại thị trường Mỹ, số lượng việc làm trống trong tháng 12 sụt giảm mạnh hơn dự báo, xuống mức thấp nhất trong 3 tháng, phản ánh rõ nét xu hướng hạ nhiệt dần của thị trường lao động. Thống kê này đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm 5 bps, góp phần củng cố quan điểm của Fed rằng thị trường việc làm không còn là nguồn cơn gây áp lực lạm phát. Chỉ số DXY đã suy giảm 0.7%.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu giảm nhẹ khi lo ngại về tác động của cuộc chiến thương mại đến tăng trưởng toàn cầu lấn át thông tin về việc tăng cường trừng phạt Iran. Trong khi đó, giá vàng tiếp tục thiết lập mức đỉnh lịch sử mới, được thúc đẩy bởi nhu cầu tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn gia tăng.
Giá dầu biến động mạnh trước động thái áp thuế của Trump
Báo cáo tài chính quý IV của các doanh nghiệp Mỹ đang cho thấy một khoảng cách chênh lệch ngày càng rõ rệt giữa nhóm 7 công ty hàng đầu trong chỉ số S&P 500 và phần còn lại. Trong khi các "gã khổng lồ" đang đẩy mạnh chi tiêu với tốc độ chóng mặt, những doanh nghiệp khác chỉ đang trong tình thế chật vật duy trì hoạt động.
Nhóm "Magnificent 7" đã tăng mạnh ngân sách đầu tư vào các hạng mục như bất động sản và trang thiết bị, với mức tăng ấn tượng 40% trong năm 2024 so với năm trước. Ngược lại, các thành viên còn lại trong S&P 500 chỉ ghi nhận mức tăng chi tiêu vốn khiêm tốn 3.5% trong năm qua.
"Sự xuất hiện của mô hình AI được cho là hiệu quả hơn từ startup Trung Quốc DeepSeek đã làm dấy lên nhiều tranh luận về xu hướng đầu tư vào lĩnh vực AI," nhóm chiến lược gia tại BlackRock Investment Institute nhận định. "Chúng ta đang chứng kiến làn sóng xây dựng nền tảng AI mạnh mẽ, khi tổng vốn đầu tư từ nhóm 'Magnificent 7' - chủ yếu là các cổ phiếu công nghệ siêu vốn hóa - đã ngang bằng với ngân sách nghiên cứu và phát triển của chính phủ."
Bloomberg