Chuyện không của riêng ai: Liệu công dân Anh có nên tham gia vào chính trị?
Thái Linh
Junior Editor
Vương quốc Anh có một chính phủ mới, giành chiến thắng đa số rất lớn. Nhưng lại chỉ có khoảng một phần ba số cử tri bỏ phiếu cho chính phủ này.
Vương quốc Anh có một chính phủ mới, giành chiến thắng đa số rất lớn. Nhưng lại chỉ có khoảng một phần ba số cử tri bỏ phiếu cho chính phủ này. Hơn nữa, Công Đảng giành được quyền lực ở một quốc gia đã mất niềm tin vào nền chính trị dân chủ: cuộc thăm dò gần đây của tổ chức tư vấn độc lập Demos cho thấy “76% người dân ít hoặc không tin tưởng rằng các chính trị gia sẽ đưa ra quyết định vì lợi ích tốt nhất của người dân nước Anh”. Đây là một cuộc khủng hoảng đối với nền chính trị dân chủ, không chỉ đối với các chính trị gia.
Ngài Keir Starmer sẽ khó xoay chuyển được làn sóng bất mãn. Tôi cho rằng, những lời hứa mà ông ấy đã đưa ra một cách thiếu khôn ngoan trên con đường giành quyền lực sẽ khiến việc kết hợp giữa hiệu suất và sự tin cậy càng trở nên khó khăn hơn. Nhiều thứ cần phải thay đổi, trong đó bao gồm cách điều hành đất nước. Một chính phủ phụ thuộc vào một cơ quan dân sự sẽ không đủ tốt. Người dân nên được yêu cầu tham gia vào nhiều vấn đề hơn. Điều đó có thể cải thiện không chỉ cách đất nước được điều hành mà còn cả cách thế giới nhìn nhận cách điều hành của quốc gia đó.
Trong “Citizen’s White Paper”, Demos mô tả cuộc cách mạng cần thiết như sau, “Chúng ta không chỉ cần những chính sách mới cho thời điểm đầy thử thách này. Chúng ta cần những biện pháp mới để giải quyết những thách thức về chính sách mà chúng ta gặp phải — từ các nhiệm vụ quốc gia đến việc hoạch định chính sách hàng ngày. Chúng ta cần những cách mới để hiểu và thương lượng những gì công chúng sẽ chấp nhận. Chúng ta cần những cách mới để xây dựng lại niềm tin vào các chính trị gia”. Tóm lại, “nếu chính phủ muốn được người dân tin tưởng thì chính phủ phải bắt đầu tin tưởng người dân”.
Tỷ lệ công chúng tin rằng họ nên tham gia vào những quyết định của quốc gia theo từng lĩnh vực
Mục đích cơ bản của việc này là thay đổi nhận thức về chính phủ từ việc mà các chính trị gia và quan chức tự quyết định thành một hoạt động có bao gồm những người bình thường được lựa chọn bởi đám đông. Điều này, như tôi đã lưu ý, sẽ như có một bồi thẩm đoàn trong đời sống thường ngày.
Làm thế nào điều này có thể hoạt động? Ý tưởng là chọn các nhóm đại diện của người dân để thảo luận chính thức về các vấn đề và giải pháp. Việc này có thể ở cấp chính quyền trung ương, cấp ủy hoặc địa phương. Những người tham gia sẽ không chỉ được hỏi ý kiến mà còn tích cực tham gia vào việc xem xét các vấn đề và thúc đẩy quá trình dẫn tới (mặc dù không đưa ra trực tiếp) quyết định đối với các vấn đề đó. Bài viết nêu chi tiết một số cách tiếp cận khác nhau - hội thảo, hội đồng, bồi thẩm đoàn, và các cuộc đối thoại cộng đồng rộng hơn. Lựa chọn phương tiện phù hợp sẽ phụ thuộc vào nhiệm vụ đề ra.
Có thể làm gì để biến điều này thành hiện thực ở Anh? Bài viết đầy tham vọng khi vạch ra sáu bước sau trong 100 ngày tới: công bố các nhóm để đưa vào năm ban sứ mệnh của chính phủ ( tăng trưởng, năng lượng sạch, tội phạm, cơ hội và dịch vụ y tế quốc gia); tạo ra một nhóm công dân thường trực để các ban ngành có thể lựa chọn; tạo ra một trung tâm chuyên môn để tham gia vào chính phủ; công bố chương trình hội nghị công dân hàng đầu; tạo đòn bẩy cho việc công dân tham gia vào việc hoạch định chính sách trong chính phủ, chẳng hạn như đào tạo cùng với hỗ trợ; và thu hút người dân tham gia các phiên điều trần do các ủy ban tuyển chọn của Quốc hội thực hiện.
Những lí do để người dân tham gia vào chính trị
Về lâu dài có thể có thêm ba bước nữa: tạo ra nghĩa vụ xem xét việc tham gia; lôi kéo người dân tham gia giám sát pháp luật hiện có; và tạo ra một cơ chế độc lập quản lý cách thức hoạt động của tất cả những điều này.
Điều này rõ ràng sẽ đánh dấu một sự thay đổi lớn trong cách thức hoạt động của chính phủ. Theo bài báo này, việc thay đổi này cũng sẽ tốn tiền, mặc dù chưa đến 31 triệu GBP mỗi năm trong năm đầu tiên, con số này không đáng kể trong tổng chi tiêu 1.2 nghìn tỷ GBP. Các quy trình sẽ mất nhiều thời gian hơn và phức tạp hơn. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu tình hình tại Anh có tốt hơn so với hiện nay hay không nếu sự thay đổi này được thực hiện.
Chúng ta không thể biết nếu không thử. Nhưng có những lý do mạnh mẽ giải thích tại sao điều đó có thể xảy ra, tất cả đều được trình bày trong bài báo này. Thứ nhất, những người dân bình thường có kinh nghiệm sống mà các bộ trưởng, công chức và các chuyên gia bình thường sẽ thiếu sót. Bằng cách tham gia vào thảo luận, họ có thể áp dụng kiến thức này để giúp đưa ra quyết định. Thứ hai, bằng cách tranh luận về các vấn đề phức tạp và thẩm vấn các nhân chứng chuyên môn, các cơ quan công dân có thể đạt được sự đồng thuận nhất định về các vấn đề gây tranh cãi gay gắt, chẳng hạn như kiểm soát quy hoạch, “net zero”, nhà tù, nhập cư và trợ tử. Điều này sau đó có thể giúp chính phủ có hướng đi hợp lý hơn về những vấn đề như vậy.
Thứ ba và quan trọng nhất, sự tham gia của người dân có thể khiến công chúng cảm thấy rằng việc quản lý không còn chỉ được thực hiện bởi những nhân vật ở xa mà là việc mà những người như họ cũng tham gia.
Nếu chúng ta có thể tin rằng nền dân chủ đại diện ngày nay là một thành công to lớn thì không cần phải xem xét những điều này. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Vì vậy, chính phủ cần thay đổi, ngay bây giờ.
Financial Times