Cổ phiếu chao đảo, đồng USD tăng vọt trước kế hoạch áp thuế của Trump
Nguyễn Đặng Hà Lê
Junior Editor
Thị trường toàn cầu đón chào nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump với sự thận trọng vào thứ Ba, khi nhà đầu tư theo dõi sát các thông tin liên quan đến kế hoạch thương mại và thuế quan của tân tổng thống Mỹ.
Do thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ vào thứ Hai, phản ứng đầu tiên trước sự trở lại Nhà Trắng của Trump được ghi nhận trong phiên giao dịch châu Á vào thứ Ba, với hợp đồng tương lai châu Âu dự báo sẽ mở cửa trong sắc đỏ.
Khi các nhà đầu tư vừa thở phào nhẹ nhõm vì Trump chỉ nhắc thoáng qua về thuế quan trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Mỹ ngay sau đó bất ngờ tuyên bố đang cân nhắc áp thuế 25% đối với Mexico và Canada từ ngày 1/2.
Tuyên bố này khiến USD/MXN tăng 1%, trong khi USD/CAD leo lên mức cao nhất trong 5 năm, đạt 1.4515.
Trump cũng tuyên bố muốn đảo ngược thâm hụt thương mại của Mỹ với Liên minh châu Âu, bằng cách áp thuế hoặc tăng cường xuất khẩu năng lượng.
Ngành sản xuất ô tô châu Âu đang trở thành tâm điểm chú ý sau khi Trump hủy bỏ một sắc lệnh năm 2021 của Biden, vốn đặt mục tiêu đảm bảo 50% số xe mới bán ra tại Mỹ vào năm 2030 sẽ là xe điện.
Những bình luận của Trump về thuế quan đã nhanh chóng đảo ngược đà tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu và giúp đồng bạc xanh bật tăng mạnh mẽ trên diện rộng trong các phiên giao dịch đầy biến động.
“Những giờ đầu tiên của chính quyền Trump nhấn mạnh rằng môi trường chính sách sẽ đầy biến động, buộc thị trường phải chuẩn bị tinh thần đối mặt với những thay đổi bất ngờ,” Charu Chanana, chiến lược gia trưởng tại Saxo Bank, nhận định. “Rõ ràng, thị trường đã phản ứng quá lạc quan khi mối đe dọa thuế quan không xuất hiện trong bài phát biểu nhậm chức của Trump.”
Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ cũng giảm đà tăng mạnh trước đó, khiến Nasdaq không đổi và S&P 500 chỉ tăng 0.1%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản (N225) kết thúc phiên với mức tăng nhẹ 0,13% sau một ngày giao dịch biến động.
Kế hoạch áp thuế nhập khẩu cao của Trump đã trở thành tâm điểm theo dõi của thị trường tài chính, do lo ngại chính sách này có thể kích thích lạm phát và khiến kinh tế Mỹ “quá nóng,” từ đó đẩy giá trị đồng USD tăng và gây áp lực lên trái phiếu.
Một số nhà đầu tư đã kỳ vọng Trump sẽ nhanh chóng áp thuế ngay khi nhậm chức, nhưng việc thiếu các động thái cụ thể đã tạo ra đợt tăng giá ngắn hạn trên thị trường chứng khoán và trái phiếu Mỹ.
“Chúng tôi tin chắc rằng Trump sẽ thực hiện các biện pháp thuế quan… Việc ông không hành động ngay ngày đầu tiên không có nghĩa là kế hoạch đã bị loại bỏ. Đây chắc chắn vẫn là một phần trong chương trình nghị sự, chỉ còn là vấn đề thời gian và cách thức thực hiện,” Khoon Goh, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại ANZ, nhận xét.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 7.1 điểm cơ bản xuống còn 4.54%, phản ánh mối quan hệ nghịch đảo giữa giá và lợi suất trái phiếu.
Trên thị trường ngoại hối, đồng USD lấy lại được đà tăng từ đầu phiên và thoát khỏi mức thấp nhất trong hai tuần.
EUR/USD giảm 31 pip, xuống mức 1.0385, trong khi GBP/USD giảm 39 pip, về mức 1.2290.
ĐIỀU GÌ SẮP DIỄN RA?
Tại Trung Quốc, cổ phiếu biến động khi nhà đầu tư cố gắng phân tích kế hoạch thuế quan của Trump đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chỉ số CSI300 blue-chip tăng nhẹ 0.13%, trong khi Shanghai Composite giảm 0.08%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông diễn biến tích cực hơn, tăng 0.79%, hỗ trợ chỉ số MSCI toàn châu Á - Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản tăng 0.34%.
“Việc Trump không nhắc đến thuế quan với Trung Quốc đã phần nào cải thiện tâm lý thị trường, nhưng cũng để lại nhiều ẩn số cho nhà đầu tư. Đây sẽ tiếp tục là một yếu tố gây áp lực dài hạn,” Kenny Ng, chiến lược gia tại China Everbright Securities International, nhận định.
Tỷ giá nhân dân tệ trong nước giữ được phần lớn mức tăng qua đêm, giao dịch ở mức 7.2781, trong khi USD/CNY nước ngoài giảm 14 pip, xuống còn 7.2801.
Ở các thị trường khác, giá dầu không biến động nhiều khi nhà đầu tư đánh giá kế hoạch của Trump nhằm tối đa hóa sản xuất dầu và khí đốt của Mỹ thông qua việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Giá dầu Brent giao sau giữ ổn định ở mức 80.1 USD/thùng, trong khi WTI giảm 0.8% còn 77.24 USD/thùng.
Ở diễn biến khác, crypto token mới của Trump đã đánh mất phần lớn mức tăng mạnh trước đó, giảm 20% vào thứ Ba, xuống còn 35.27 USD, sau khi đạt giá trị vốn hóa thị trường hơn 10 tỷ USD hồi đầu tuần.
BTC/USD cũng giảm nhẹ 0.08%, giao dịch ở mức 102,460.68, lùi khỏi mức cao kỷ lục thiết lập vào thứ Hai.
Việc chính quyền Trump có khả năng nới lỏng các quy định đối với ngành tiền mã hóa đã được ngành này đón nhận nồng nhiệt, góp phần thúc đẩy đà tăng mạnh của tài sản kỹ thuật số kể từ chiến thắng bầu cử của ông vào tháng 11.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu ít biến động khi nhà đầu tư cân nhắc kế hoạch của Trump nhằm tối đa hóa sản xuất dầu khí của Mỹ bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Hợp đồng dầu Brent giao sau giữ nguyên ở mức 80,1 USD/thùng, gần mức thấp nhất trong hơn một tuần. Trong khi đó, dầu WTI của Mỹ giảm 0.8%, xuống còn 77.24 USD/thùng so với mức đóng cửa hôm thứ Sáu, do không có giao dịch vào thứ Hai vì Mỹ nghỉ lễ công cộng.
Reuters