Cổ phiếu giá trị: Kho báu bị lãng quên giữa cơn sốt cổ phiếu tăng trưởng
Quỳnh Chi
Junior Editor
Trong bức thư công bố hôm thứ Hai, các chuyên gia đã thảo luận về báo cáo cuối cùng của Marko Kolanovic, cựu chiến lược gia tại JPMorgan. Báo cáo này được xem như một lời kêu gọi khẩn thiết nhằm duy trì sự tỉnh táo trước tình hình thị trường đang chìm trong cơn sốt đầu cơ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nếu không đầu tư vào Nvidia, nhà đầu tư nên hướng đến đâu?
Với tâm lý mạnh mẽ và do đó mà nâng cao các vị thế, nhà đầu tư được khuyến nghị đa dạng hóa danh mục để tránh rủi ro đuôi (tail risk) từ xu hướng thị trường bằng cách tăng tỷ trọng các cổ phiếu giá trị mang tính ''phòng thủ'' (tiện ích, hàng tiêu dùng thiết yếu, y tế, viễn thông, cổ phiếu trả cổ tức ổn định) và giảm tỷ trọng vào các cổ phiếu chu kỳ (Cyclical Stocks) như: công nghiệp, hàng tiêu dùng không thiết yếu, tài chính, và cổ phiếu vốn hóa nhỏ chưa có lợi nhuận.
Tuy nhiên, việc thực hiện có thể không đơn giản như vậy. Các cổ phiếu "phòng thủ" không phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế có thể dễ dàng mua được. Nhưng tìm kiếm cổ phiếu giá trị mang tính ''phòng thủ'' - vừa mang tính phòng thủ vừa có giá hợp lý - có thể khó khăn hơn. Theo ghi nhận gần đây, ngoài nhóm cổ phiếu AI, những cổ phiếu tăng mạnh nhất năm nay thuộc về các công ty hàng tiêu dùng thiết yếu lớn và ổn định nhất. Ví dụ, Walmart, Costco, Colgate-Palmolive và Procter & Gamble đều đang được giao dịch ở mức giá cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung của thị trường.
Tuy nhiên, vẫn có những cơ hội đầu tư hấp dẫn, ít nhất là xét về mặt tương đối. Biểu đồ dưới đây thể hiện P/E forward của chỉ số Russell chia cho P/E của chỉ số tăng trưởng Russell. Biểu đồ này về cơ bản cho thấy cổ phiếu giá rẻ ''rẻ hơn'' so với cổ phiếu tăng trưởng như nào:
Cổ phiếu giá rẻ lại trở nên cực kỳ hấp dẫn
Vậy đâu là giá trị thực trên thị trường? Trong cuộc trao đổi với Kimball Brooker, quản lý danh mục đầu tư tại First Eagle Investment Management, ông cho rằng nhiều công ty thực phẩm đã bị định giá thấp một cách vô lí do nhiều người cho rằng các loại thuốc giảm cân mới sẽ khiến người tiêu dùng ăn ít đi. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng ngay cả khi một phần lớn dân số sử dụng thuốc giảm cân, họ vẫn sẽ sống lâu hơn và tiếp tục ăn uống trong suốt những năm đó. Ông Brooker cũng nhận xét rằng sự phấn khích quá mức về thuốc giảm cân thậm chí đã tác động đến giá cổ phiếu và giá trị của các công ty chăm sóc sức khỏe. Ví dụ như công ty Medtronic - chuyên sản xuất máy tạo nhịp tim - cũng bị ảnh hưởng, mặc dù sản phẩm của họ không liên quan trực tiếp đến việc giảm cân.
Thực tế, trong số các cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu lớn, các công ty thực phẩm đang được giao dịch ở mức chiết khấu đáng kể so với thị trường và có hiệu suất kém gần đây bao gồm Kraft Heinz, ConAgra, JM Smucker, Lamb Weston, General Mills, Kellanova, Hershey's và Pepsi. Thách thức đặt ra là phân biệt được công ty nào đang chịu ảnh hưởng từ Ozempic và công ty nào đang đi ngược với xu hướng thay đổi trong thói quen ăn uống của người Mỹ.
Brooker cũng cho rằng một số công ty từng hoạt động tốt trong thời kỳ Covid khi mọi người ở nhà, nhưng gặp khó khăn sau đó, giờ đây giá cổ phiếu hiện tại của những công ty này đang cực kỳ rẻ. Ông lấy ví dụ về Comcast, một công ty cung cấp dịch vụ internet. Mặc dù số lượng khách hàng đăng ký mới của Comcast đã giảm, công ty vẫn tạo ra nhiều tiền mặt, mua lại cổ phiếu của chính mình, và hiện được giao dịch ở mức giá chỉ bằng 9 lần lợi nhuận của họ.
Theo quy luật, cổ phiếu giá trị thường hoạt động tốt nhất trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Lý do là vì các cổ phiếu rẻ thường rẻ do lợi nhuận của chúng nhạy cảm với nền kinh tế. Vì vậy, cổ phiếu giá trị chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời kỳ suy thoái, nhưng sẽ bật tăng mạnh mẽ khi nền kinh tế bắt đầu mở rộng trở lại. Tuy nhiên, hiện tại, hầu hết mọi người cho rằng nền kinh tế đang đi ngang hoặc chậm lại một chút.
Bob Robotti từ Robotti không hề nản lòng. Ông cho rằng nền kinh tế công nghiệp Mỹ - một trong những lĩnh vực mà báo cáo của JPMorgan khuyên các nhà đầu tư nên tránh - đã chịu áp lực giống như suy thoái trong một thời gian, và giờ đây đang sẵn sàng tăng trưởng. "Trong lĩnh vực công nghiệp, nền kinh tế quan trọng nhất là Trung Quốc," ông nói. Những khó khăn gần đây của Trung Quốc đã khiến các công ty công nghiệp phải giảm giá sản phẩm trên thị trường xuất khẩu, đặc biệt là châu Âu, gây áp lực lên các đối thủ Mỹ. Nhưng điều này sẽ không kéo dài mãi. Hơn nữa, các công ty công nghiệp và vật liệu Mỹ có lợi thế về chi phí đầu vào năng lượng lâu dài so với các đối thủ sau cuộc cách mạng dầu đá phiến. Ông ưa thích các lĩnh vực năng lượng, hóa chất, phân bón, thép và nhôm.
Một cuộc khảo sát nhanh về các công ty trong S&P 500 đã được thực hiện. Tiêu chí lựa chọn bao gồm: tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ít nhất bằng tỷ lệ lạm phát trong 5 năm qua, được các nhà phân tích kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng này trong 2 năm tới, và được giao dịch ở mức P/E không quá 18 (tức là chiết khấu 20% so với thị trường). Kết quả cho ra danh sách 58 công ty, và trung bình, họ đã tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu ở mức 16% hàng năm trong nửa thập kỷ qua. Kết quả này cho thấy vẫn còn những doanh nghiệp phát triển bền vững, được định giá hợp lý trên thị trường. Câu hỏi đặt ra là khi nào thì nhà đầu tư sẽ bắt đầu quan tâm và đầu tư vào những cổ phiếu này.
Financial Times