Cổ phiếu và trái phiếu - Hai viễn cảnh kinh tế trái ngược nhau
Tùng Trịnh
CEO
Trong khi đà phục hồi của chứng khoán kể một câu chuyện về hy vọng, thị trường trái phiếu dường như lại rơi vào tuyệt vọng. Nếu viễn cảnh kinh tế mà các nhà đầu tư trái phiếu đang liên tưởng trở thành hiện thực, nó sẽ là thảm hoạ đối với thị trường chứng khoán.
Kể từ ngày 23/3, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ dao động chậm rãi trong biên độ 60 đến 70 điểm cơ bản. Lãi suất Fed thấp kỷ lục cho thấy nền kinh tế không thể phục hồi trong thời gian ngắn. Bất chấp nhận định này, S&P 500 vẫn tăng khoảng 28,5% từ vùng đáy, như thể những lo lắng của nhà đầu tư chứng khoán đối với coronavirus đã lùi xa.
Lãi suất thấp là một tín hiệu xấu
Lãi suất Fed hạ thấp thường được cho là chỉ báo tích cực đối với cổ phiếu. Nhưng trong trường hợp này, nó cho thấy nền kinh tế không thể sớm đạt được sự tăng tốc đáng kể. Ngay cả kỳ vọng lạm phát (phản ánh qua chênh lệch lợi suất trái phiếu kho bạc và trái phiếu inflation linked kỳ hạn 5 năm) cũng đã giảm dần. Tất cả đều thể hiện cho nhận định về một đà phục hồi kinh tế chậm chạp, và điều đó không tốt cho thị trường chứng khoán trong dài hạn. Trong đợt bán tháo tháng 2 và tháng 3, kỳ vọng lạm phát đã giảm cùng với S&P 500. Tuy nhiên, vào ngày 15/4, kỳ vọng lạm phát vẫn tiếp tục xu hướng giảm trong khi chứng khoán tăng. Sự phân kỳ trong xu hướng cho thấy triển vọng kinh tế của hai thị trường đã đi theo những con đường khác nhau.
Nền kinh tế phục hồi chậm chạp?
Kỳ vọng lạm phát giảm gợi ý rằng tăng trưởng kinh tế sẽ không như kỳ vọng. Với mức tăng trưởng yếu và lạm phát thấp, không có lý do gì để lợi suất trái phiếu tăng. Trong trường hợp đó, nhà đầu tư phải tự hỏi thị trường chứng khoán đang nghĩ gì vào lúc này khi hành xử theo kỳ vọng trái ngược.
Nếu lãi suất bắt đầu tăng trở lại, đây sẽ là xác nhận cho đà tăng nóng của thị trường chứng khoán và cho thấy sự phục hồi kinh tế đang hình thành. Mặc dù thông thường lãi suất tăng được coi là tiêu cực đối với cổ phiếu, lý thuyêt đó không phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay. Cục Dự trữ liên bang cũng đã nói rõ rằng họ sẽ không thắt chặt tiền tệ trong tương lai gần. Điều đó có nghĩa lạm phát và lãi suất tăng không gây ra mối đe dọa cho thị trường cổ phiếu tại thời điểm này.
Hai câu chuyện?
Sự phân kỳ giữa cổ phiếu và trái phiếu có thể đang kể 2 câu chuyện bằng 2 góc nhìn rất khác nhau. Một bên cho thấy tăng trưởng kinh tế và lạm phát có thể sẽ tiếp tục ảm đạm trong thời gian tới. Nếu điều này thực sự diễn ra, sớm hay muộn thị trường chứng khoán cũng sẽ nhận ra những tác động bất lợi của suy thoái kinh tế cũng như tốc độ phục hồi không như kỳ vọng.
Trong cả hai trường hợp, dường như có một sự tách biệt rõ ràng đang diễn ra giữa các thị trường, trong khi thị trường trái phiếu thể hiện quan điểm về sự hồi sinh chạp của nền kinh tế, thì các nhà đầu tư cổ phiếu vẫn đang không ngừng tìm kiếm cơ hội đặt cược vào sự phục hồi hình chữ "V".
Dù nền kinh tế quay trở lại bằng hình thái nào, sự phục hồi cuối cùng sẽ được nhận thức rộng rãi chỉ sau khi nó diễn ra. Còn hiện nay, tất cả phụ thuộc vào niềm tin của bạn vào 1 trong 2 thị trường. Bạn tin vào trái phiếu hay cổ phiếu, và cái nào cuối cùng sẽ đúng?