CPI tháng 3 của Hoa Kỳ đang nói lên điều gì?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ trong tháng 3 tăng cao hơn dự báo, điều này đã củng cố thêm bằng chứng về áp lực lạm phát khi nền kinh tế mở cửa trở lại và nhu cầu tiêu dùng tăng lên.
Theo dữ liệu của Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố hôm thứ 3, CPI của Hoa Kỳ trong tháng 3 tăng 0.6%, trong khi tháng 2 chỉ tăng 0.4%. Trong một cuộc khảo sát của Bloomberg, dự báo mức tăng CPI tháng 3 của các chuyên gia kinh tế chỉ dừng ở 0.5%.
Nếu loại bỏ thành phần thực phẩm và năng lượng - hai yếu tố gây áp lực mạnh lên giá cả, thì CPI lõi tăng 0.3% so với tháng trước.
Như vậy, với mức gia tăng hàng tháng của CPI đã dẫn đến mức tăng 2.6% so với cùng kỳ năm ngoái, khi mà tháng 3/2020 - đại dịch diễn ra làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng và ảnh hưởng tới định giá. Tuy nhiên, nếu trừ đi hai yếu tố là thực phẩm và năng lượng thì CPI cơ bản tháng 3 của Hoa Kỳ tăng 1.6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự thay đổi so với cùng kỳ là điều khá dễ hiểu. Cùng với nhiều dữ liệu kinh tế khác, chỉ số CPI đã giảm mạnh vào thời điểm bắt đầu đại dịch, trong bối cảnh các lệnh phong tỏa áp dụng trên diện rộng. Khi đặt lên bàn cân, so sánh với những con số suy giảm đó, thì mức tăng của các chỉ số kinh tế từ tháng 3 đến tháng 5 sẽ "có vẻ" cao hơn bất thường.
Trong khi đó, nhiều nhà giao dịch trái phiếu đã lường trước được về sự bất thường trong dữ liệu CPI được công bố trong hôm nay. Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi các yếu tố xúc tác để đẩy lợi suất lên cao hơn. Sau khi mức tăng đột biến vào tháng trước đã đưa lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Hoa Kỳ lên trên mức 1.77%, hiện đang dao động quanh mức 1.7% trong những phiên giao dịch gần đây.
Các số liệu mới nhất về chỉ số giá tiêu dùng đã tiếp thêm "năng lượng" cho những cuộc tranh luận vốn đã sôi nổi về lạm phát ở Hoa Kỳ, đặc biệt sau dữ liệu của Bộ Lao động công bố tuần trước cho thấy chỉ số giá sản xuất tăng mạnh hơn dự kiến.
Một số nhà phân tích và nhà kinh tế cho rằng, khi làn sóng nhu cầu tiêu dùng vốn đã bị dồn nén được "bung ra" cùng với hàng nghìn tỷ dollar chi tiêu của chính phủ sẽ đẩy lạm phát lên cao. Trong khi đó, các lãnh đạo của Cục Dự trữ Liên bang (bao gồm cả chủ tịch Jerome Powell) cho biết, sự gia tăng rõ rệt của giá tiêu dùng có thể chỉ là tạm thời.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, thiếu hụt nguồn cung và chi phí đầu vào tăng cao, các nhà sản xuất đã và đang cảm thấy bị ảnh hưởng bởi chi phí gia tăng. Mặc dù không phải tất cả các khoản tăng chi phí đều sẽ được chuyển đến tay người tiêu dùng - với nhiều biện pháp khác nhau mà các công ty có thể thực hiện để bù đắp chi phí - áp lực kéo dài trong quá trình sản xuất làm tăng nguy cơ lạm phát tiêu dùng tăng nhanh.
Theo dữ liệu khảo sát gần đây cho thấy áp lực chi phí đang có xu hướng tăng. Số liệu mới nhất của Viện Quản lý Cung ứng cho thấy hơn một nửa số nhà cung cấp dịch vụ đã báo cáo trả giá cao hơn vào tháng 3, tỷ lệ lớn nhất kể từ năm 2011. Cuộc khảo sát sản xuất của ISM cho thấy khoảng 72% nhà sản xuất có cùng quan điểm như trên - nhiều thứ hai kể từ năm 2008.
Gần đây, một số giám đốc điều hành công ty đã đề cập đến kế hoạch tăng giá cho các sản phẩm của họ.
Bloomberg