Cú sốc trên thị trường trái phiếu: "Hạ cánh mềm" hay bẫy rủi ro?
Huyền Trần
Junior Analyst
Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng "hạ cánh mềm" của nền kinh tế.
Chênh lệch giữa lợi suất giữa trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ Mỹ đã thu hẹp xuống mức thấp nhất gần 20 năm, khi các nhà đầu tư đổ xô đặt cược vào khả năng Mỹ sẽ "hạ cánh mềm". Cụ thể, mức chênh lệch mà các công ty xếp hạng tín dụng cao phải trả so với chính phủ, đã giảm xuống chỉ còn 0.83 điểm phần trăm, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2005. Đối với trái phiếu "rác" của các công ty có xếp hạng tín dụng thấp, chênh lệch cũng giảm xuống chỉ còn 2.89 điểm phần trăm, mức thấp nhất từ giữa năm 2007.
Sự thu hẹp về lợi suất này, một chỉ số đánh giá rủi ro vỡ nợ, phản ánh niềm tin rằng Fed sẽ kiểm soát lạm phát mà không gây ra suy thoái. Tuy nhiên, một số nhà quản lý quỹ lo ngại rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trị giá 11 nghìn tỷ USD có thể đang quá lạc quan, họ đang bỏ qua các rủi ro kinh tế và bất ổn có thể xảy ra sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. "Nhìn chung, thị trường đang hoàn toàn đặt cược vào khả năng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế" Mike Scott, Giám đốc bộ phận trái phiếu lợi suất cao toàn cầu của Man Group, nhận định.
Chênh lệch lợi suất TP doanh nghiệp và TPCP ở mức thấp nhất kể từ năm 2005
Giá trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng do kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất sau lần giảm đầu tiên từ năm 2020. Nền kinh tế vững mạnh đang khiến trái phiếu doanh nghiệp, vốn có rủi ro hơn trái phiếu chính phủ, trở nên hấp dẫn hơn. Bill Zox, quản lý danh mục đầu tư tại Brandywine Global Investment Management, cho biết nhu cầu về trái phiếu doanh nghiệp vượt xa nguồn cung, “Có một cơn khát lớn đối với mọi thứ liên quan đến tín dụng,” ông chia sẻ.
Thị trường đã hồi phục sau đợt bán tháo vào tháng 8 do dữ liệu việc làm yếu hơn dự đoán, nhưng Ruben Hovhannisyan, quản lý danh mục đầu tư tại TCW, cảnh báo rằng điều này cho thấy “thị trường đang bị mua quá mức” và không còn nhiều không gian cho sai lầm.
Ông nhấn mạnh, những người mua trái phiếu với suy nghĩ mọi thứ đều ổn có thể sẽ đối mặt với rủi ro bất ngờ.
Một số nhà quản lý quỹ lo ngại rằng người mua đang tập trung vào lợi suất cao mà bỏ qua nguy cơ vỡ nợ. Lauren Wagandt từ T. Rowe Price cảnh báo rằng, dù thị trường trái phiếu thu hút nhiều người mua, nhưng định giá đã rất cao và cần chuẩn bị để ứng phó với biến động sắp tới.
Financial Times