Cuộc đua giành lợi nhuận khốc liệt: Các Ngân hàng Trung Quốc vượt lên dẫn đầu
Trà Giang
Junior Editor
Khi nền kinh tế Trung Quốc lao đao và thị trường bất động sản lâm vào khủng hoảng, việc các nhà đầu tư đổ vốn vào cổ phiếu ngân hàng là một điều khá bất ngờ.
Các ngân hàng Trung Quốc lại bất ngờ trở thành tâm điểm của thị trường khi các nhà đầu tư đặt cược vào việc họ sẽ thu được lợi nhuận lớn từ tỉ lệ chi trả cổ tức cao và sự hỗ trợ của nhà nước. Điều này diễn ra trong bối cảnh lợi suất trái phiếu tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Chỉ trong tuần này, cổ phiếu của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc - một trong bốn ngân hàng lớn - đã lập mức đỉnh mới tại Thượng Hải, trong khi Công ty TNHH Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) cũng đạt mức cao nhất kể từ khi bong bóng chứng khoán của nước này nổ vào năm 2015. Động lực tăng giá này đã giúp chỉ số ngân hàng CSI tăng 19% cho đến nay, so với mức giảm 3.2% của chỉ số chung.
Biểu đồ đường so sánh hiệu suất của "Tứ đại ngân hàng" Trung Quốc so với chỉ số CSI 300 trong năm 2024
Theo thống kê của Bloomberg, hầu hết các thành viên của nhóm ngành ngân hàng đều đã chạm đỉnh 52 tuần trong năm 2024 khi các nhà đầu tư đổ xô vào các ngân hàng như một nơi trú ẩn an toàn. Bốn ngân hàng lớn do nhà nước sở hữu, bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, đều đang trên đà vượt trội so với chỉ số CSI 300, tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2021.
Phần lớn nhu cầu đối với nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng là một phần của cơn sốt tìm kiếm tài sản có lợi suất cổ tức cao trong một năm đánh dấu bởi tình trạng kinh tế suy yếu và triển vọng đầu tư mờ mịt. Những người lạc quan cho rằng cổ phiếu ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trưởng nhờ vào sự gia tăng của các quỹ phòng hộ và sự hỗ trợ không ngừng của nhà nước đối với thị trường. Tuy nhiên, môt số người cho rằng đà tăng giá này đã vượt qua các yếu tố cơ bản và hy vọng của nhà đầu tư về việc cổ tức tăng lên là không phù hợp.
Các cổ phiếu ngân hàng có thể tiếp tục vượt trội thị trường nhờ vào "sự chuyển dịch mạnh mẽ nhằm ưu tiên kiểm soát rủi ro tài chính hơn là hỗ trợ tăng trưởng", theo nhận định của các nhà phân tích của Morgan Stanley do Richard Xu dẫn đầu. Tuy nhiên, định chế tài chính này cũng cảnh báo rằng triển vọng tăng nợ xấu có thể xảy ra nếu các nhà sản xuất Trung Quốc cố gắng duy trì khả năng cạnh tranh về chi phí để bảo vệ thị phần toàn cầu. Điều này có thể dẫn đến đầu tư quá mức và cuối cùng làm giảm biên lợi nhuận của các ngân hàng.
Biểu đồ so sánh tỷ lệ nợ xấu và biên lợi nhuận ròng của các ngân hàng Trung Quốc từ năm 2013 đến năm 2024
Cho đến nay, các nhà giao dịch dường như đang bỏ qua khả năng tăng nợ xấu. Một phần của suy nghĩ này liên quan đến dòng vốn mạnh mẽ gần đây vào lĩnh vực ngân hàng, với quỹ đầu tư quốc gia của Tập đoàn Central Huijin Investment Ltd có thể đã tăng cổ phần trong bốn ngân hàng lớn để hỗ trợ thị trường gần đây.
Định giá cũng là một lý do hấp dẫn cho các quỹ phòng thủ rủi ro, với ngành ngân hàng vẫn giao dịch ở mức khoảng 0.5 lần giá trị sổ sách trung bình. Kỳ vọng về tỷ suất cổ tức của chỉ số ngân hàng CSI trong 12 tháng tới trung bình là 5%, so với mức 2.2% của trái phiếu chính phủ 10 năm.
"Dòng chảy vốn mới vào thị trường năm nay bao gồm những người đầu tư ETF và các quỹ bảo hiểm, cả hai đều có xu hướng tìm kiếm mức độ tiếp xúc cao với các ngân hàng," nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Công nghiệp Zhang Qiyao chia sẻ.
Kết quả kinh doanh của các ngân hàng dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng này có thể là bài kiểm tra tiếp theo cho các nhà đầu tư để đánh giá sự phát triển của ngành. Tổng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại Trung Quốc chỉ tăng nhẹ 0.4% trong nửa đầu năm nay, theo số liệu chính thức mới nhất, mức tăng nhỏ nhất kể từ năm 2020. Biên lãi thuần cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục là 1.54% vào cuối tháng 6, thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 1.8% được coi là một thước đo về lợi nhuận hợp lý.
Theo các nhà phân tích Francis Chan và Nicholas Ng của Bloomberg Intelligence, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của ngành ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục giảm từ mức thấp nhất là 8.9% trong nửa đầu năm xuống còn 8% đến năm 2025, do sự thu hẹp biên lợi nhuận có thể xấu đi trong bối cảnh chính sách nới lỏng tiền tệ của ngân hàng trung ương. Ngoài ra, họ cũng nói thêm rằng tăng trưởng tín dụng cũng có thể chậm lại từ mức hai chữ số xuống mức một chữ số.
Jason Bedford, người đã cảnh báo về những rắc rối của các ngân hàng địa phương Trung Quốc vào năm 2019, cho biết mặc dù ông lạc quan về triển vọng cổ tức của đất nước này nhưng cổ phiếu ngân hàng không nằm trong sự lạc quan đó. Các biện pháp khuyến khích các công ty niêm yết tăng lợi nhuận đã thúc đẩy nhiều công ty tăng tỷ lệ trả cổ tức, đây là một chiến thắng cho các cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước. Nhưng các ngân hàng lại là một câu chuyện khác, ông nói.
"Nhu cầu tăng trưởng vốn mạnh mẽ của các ngân hàng có nghĩa là họ không thể tăng tỷ lệ trả cổ tức", Bedford nói.
Bloomberg