Cựu nhà kinh tế trưởng Goldman Sachs: Mỹ có thể tăng cường can thiệp bằng ngôn từ đối với JPY
Trần Phương Thảo
Junior Analyst
Theo Jim O'Neill, các quan chức Mỹ đã để mắt đến JPY và có thể sử dụng các biện pháp can thiệp bằng ngôn từ cụ thể và công khai hơn để giúp Nhật Bản hỗ trợ đồng nội tệ
"Tốc độ và quy mô sụt giảm của JPY cho thấy một cuộc khủng hoảng tiền tệ đang đến gần", O'Neill - cựu nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs, người đã đặt ra từ viết tắt BRIC để mô tả các cường quốc ở thị trường mới nổi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc hai thập kỷ trước cho biết.
Các động thái thị trường cho thấy các quan chức Nhật Bản có thể đã can thiệp lần thứ hai trong tuần này để hỗ trợ JPY vốn đã giảm xuống mức đáy trong hơn ba thập kỷ. Trong khi Nhật Bản đang cố gắng hỗ trợ các hộ gia đình đang chịu áp lực từ lạm phát tăng cao, thì Mỹ lại quan tâm đến việc tránh tăng áp cho đồng bạc xanh vốn đã mạnh.
O'Neill cho biết: “Tại một thời điểm nào đó, mọi chuyện sẽ trở nên căng thẳng vì rõ ràng là BoJ và các quan chức Nhật Bản sẽ không muốn JPY tiếp tục suy yếu. Phần còn lại của châu Á cũng vậy, bao gồm cả Bắc Kinh, điều đó cũng có nghĩa là Bộ Tài chính Mỹ cũng sẽ không hài lòng lắm”.
Chính quyền Nhật Bản có vẻ đã can thiệp tiền tệ 2 lần trong tuần này
Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã thừa nhận những lo ngại của Nhật Bản và Hàn Quốc về việc đồng nội tệ sụt giảm mạnh trong cuộc họp ba bên của các bộ trưởng tài chính. Những người theo dõi JPY coi đó là việc Mỹ bật đèn xanh cho hành động can thiệp trực tiếp. Nhưng Yellen tiếp tục nói rằng sự can thiệp vào thị trường ngoại hối là điều hiếm khi xảy ra và phải có sự tư vấn trước.
O'Neill cho biết, không rõ khi nào Washington có thể can dự nhiều hơn, nhưng một phản ứng trực tiếp từ Mỹ có thể "làm thị trường ngạc nhiên và khiến thị trường lo lắng hơn về việc đối đầu với BoJ."
Câu hỏi đặt ra đối với những người đầu cơ JPY là liệu hành động đơn phương của Nhật Bản có hiệu quả hay không, vì chỉ sự can thiệp thôi thì không thể thay đổi được chênh lệch lớn về lãi suất đang khiến đồng tiền này sụt giảm. Mặc dù BoJ đã chấm dứt chính sách lãi suất âm, nhưng rõ ràng là còn cách xa mức có thể thu hút các nhà đầu tư khi lãi suất vẫn cao ở Mỹ và các quốc gia khác.
O'Neill cho biết, Mỹ can thiệp trực tiếp để củng cố JPY vào năm 1998 trong một bối cảnh rất khác. Điều đó cho thấy bất kỳ phản ứng nào của Mỹ lần này đều có thể sẽ được theo dõi sát sao.
O'Neill chỉ ra rằng: “Rất khó để các quan chức có thể làm được gì nhiều nếu nguyên nhân chủ yếu là do lãi suất cao của Mỹ khi lạm phát vẫn còn dai dẳng. Sự sụt giảm mạnh của USD có thể làm tăng thêm áp lực lạm phát và rõ là không ai muốn điều này xảy ra."
DXY đã tăng gần 4% trong năm nay khi nền kinh tế Mỹ cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên trước tình trạng lạm phát dai dẳng và lãi suất ở mức cao nhất trong nhiều năm. Việc triển vọng Fed cắt giảm lãi suất suy yếu khiến đồng bạc xanh tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác trên toàn cầu và JPY giảm khoảng 10%.
O'Neill nói thêm: “Một số người cho rằng điều đó rất đơn giản, JPY tiếp tục suy yếu cho đến khi kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất được củng cố một lần nữa. Nhưng tôi không nghĩ mọi chuyện sẽ diễn ra như vậy.”
Bloomberg