Cựu quan chức BoJ dự đoán: Ngân hàng có thể "án binh bất động" trong tháng này
Ngọc Lan
Junior Editor
Theo một cựu giám đốc điều hành của BoJ, ngân hàng có khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng này và thay vào đó sẽ cắt giảm mua trái phiếu nhiều hơn một chút so với dự kiến để tránh làm đồng Yên yếu đi.
Ông Hideo Hayakawa, cựu giám đốc điều hành và cũng là cựu chuyên gia kinh tế trưởng của BoJ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư: "Tôi không nghĩ sẽ có khả năng BoJ tăng lãi suất vào tháng 7. Dựa trên các dữ liệu gần đây, khó có thể xác nhận chắc chắn rằng nền kinh tế đang thực sự tiến triển theo kỳ vọng của BoJ."
Ông Hayakawa nói thêm chi tiêu tiêu dùng của Nhật Bản đã giảm trong quý thứ tư liên tiếp tính đến tháng 3 do tiền lương thực tế giảm trong thời gian dài, đây là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế yếu hơn dự kiến đối với BoJ.
BoJ cần có thêm thời gian để đánh giá các dữ liệu sắp tới trong mùa hè này - thời điểm dự kiến nền kinh tế dự kiến sẽ phục hồi.
Những nhận định của ông Hayakawa củng cố quan điểm của phần lớn những người theo dõi BoJ rằng ngân hàng này sẽ không tăng lãi suất tại cuộc họp kéo dài 2 ngày vào ngày 31/7. Một số nhà kinh tế vẫn dự đoán khả năng tăng lãi suất trong tháng này, họ cho rằng lý do chính là sự suy yếu của đồng Yên.
Chính phủ Nhật Bản đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về đồng Yên vào tuần trước với việc nghi ngờ đã can thiệp hai lần liên tiếp vào thị trường ngoại hối để hỗ trợ đồng nội tệ.
Ông Hayakawa cho biết, thay vì tăng lãi suất, BoJ có thể sẽ tuyên bố giảm mua trái phiếu nhiều hơn dự kiến trước đây để phát đi tín hiệu hawkish nhằm kiềm chế áp lực lên đồng Yên.
Việc cắt giảm mua trái phiếu có thể giúp đẩy lãi suất lên cao hơn và thu hẹp chênh lệch lớn giữa lãi suất dài hạn, một yếu tố quan trọng chi phối thị trường ngoại hối.
Ông Hayakawa từng dự đoán chính xác việc điều chỉnh chính sách kiểm soát lợi suất của BoJ vào tháng 7 năm ngoái.
"BoJ không nên quá thận trọng trong việc cắt giảm mua trái phiếu," ông Hayakawa nói. "Thị trường sẽ dự báo đồng Yên yếu đi nếu BoJ duy trì lập trường cực kỳ thận trọng ngay cả khi họ giữ nguyên lãi suất."
BoJ đang chịu áp lực phải tránh làm đồng Yên suy yếu thêm, đặc biệt là khi Bộ Tài chính có thể đã chi khoảng 15 nghìn tỷ Yên (96 tỷ USD) để can thiệp thị trường trong những tuần gần đây. Các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ ngày càng lo ngại về tác động của đồng Yên yếu thông qua chi phí nhập khẩu cao hơn, điều này đang khiến lạm phát ở mức cao.
Sau cuộc họp báo sau kỳ họp tháng 4, những nhận xét của Thống đốc Kazuo Ueda cho thấy ông không quá lo ngại về đồng Yên trong ngắn hạn. Điều này đã thúc đẩy sự sụt giảm mạnh của đồng Yên, cuối cùng dẫn đến đợt can thiệp tiền tệ đầu tiên trong năm nay.
Kể từ cuộc gặp với Thủ tướng Fumio Kishida vào đầu tháng 5, ông Ueda đã điều chỉnh giọng điệu và đưa ra các tín hiệu cảnh báo về đồng tiền.
"Bộ Tài chính hẳn đang nghĩ 'Hãy làm gì đó đi!'" ông Hayakawa nói. Ông nói thêm, nếu BoJ lại khiến đồng Yên giảm giá thì điều đó sẽ phá vỡ lòng tin giữa họ.
Một trọng tâm chính của cuộc họp BoJ vào tháng 7 là tốc độ cắt giảm mua trái phiếu từ mức hiện tại là 6 nghìn tỷ Yên mỗi tháng. BoJ đã tuyên bố sẽ công bố việc cắt giảm tại cuộc họp tháng 7.
Mặc dù tốc độ mua trái phiếu hiện tại giúp duy trì lượng trái phiếu nắm giữ của BoJ khi các trái phiếu cũ đáo hạn, việc cắt giảm mua trái phiếu sẽ đánh dấu bước đi thắt chặt chính sách tiền tệ đầu tiên của BoJ sau hơn một thập kỷ nới lỏng tiền tệ quy mô lớn kết thúc vào tháng 3 năm nay.
Ông Hayakawa cho biết BoJ có thể bắt đầu bằng việc giảm mua trái phiếu xuống khoảng 4.5 nghìn tỷ Yên mỗi tháng, mức cắt giảm lớn hơn một chút so với dự đoán của thị trường là 5 nghìn tỷ Yên. Ông nói thêm, trong 2 năm, con số này có thể giảm xuống 3 nghìn tỷ Yên, phù hợp với quan điểm chung của thị trường.
Theo ông Hayakawa, khả năng BoJ tăng lãi suất tiếp theo có thể xảy ra vào mùa thu năm nay. Ông cho biết, một khi nền kinh tế được củng cố vững chắc hơn dựa trên dữ liệu, BoJ có thể tăng lãi suất sớm nhất là vào tháng 9.
Bloomberg