Đánh thuế người siêu giàu: Nhóm G20 đồng lòng nhưng còn nhiều thách thức
Thái Linh
Junior Editor
Tuyên bố chung đầu tiên của các nhà lãnh đạo tài chính nhóm G20 cam kết hợp tác đánh thuế hiệu quả đối với những người có khối tài sản lớn nhất thế giới vào thứ 6 đã che đậy sự bất đồng sâu sắc hơn về diễn đàn phù hợp để thúc đẩy vấn đề này.
Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương từ Nhóm G20 đã nhất trí tham chiếu đến việc đánh thuế công bằng đối với "những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao" trong cả thông cáo chung và tuyên bố riêng về hợp tác thuế quốc tế vào thứ 6.
"Chúng tôi sẽ tìm cách hợp tác để đảm bảo rằng những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao được đánh thuế hiệu quả", bản dự thảo cuối cùng của tuyên bố chung nhóm G20 tại Rio de Janeiro cho biết.
Tuy nhiên, đã xuất hiện những bất đồng về việc nên thực hiện điều đó trong các cuộc đàm phán tại Liên hợp quốc hay thông qua Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - một nhóm các nền dân chủ giàu có hơn do các đồng minh của Hoa Kỳ và châu Âu thành lập.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen nói với Reuters bên lề cuộc họp nhóm G20 rằng bà tin rằng OECD, tổ chức đã dẫn dắt các cuộc đàm phán về thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu trong ba năm qua, có vị thế tốt hơn để xử lý vấn đề này.
"Chúng tôi không muốn thấy vấn đề này bị chuyển sang cho Liên hợp quốc", bà Yellen nói rằng OECD "là một tổ chức dựa trên sự đồng thuận. Chúng tôi đã đạt được rất nhiều tiến bộ và Liên hợp quốc không có chuyên môn kỹ thuật để dẫn dắt cuộc đàm phán này".
Theo một quan chức cho biết, các quốc gia đang phát triển lớn đã phản đối cách tiếp cận đó, đồng thời cho biết Brazil nên thúc đẩy thảo luận tại cả Liên hợp quốc và OECD dưới vai trò là chủ tịch nhóm G20.
Một số người ủng hộ mạnh mẽ về mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tỷ phú, bao gồm cả người đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz, nhấn mạnh rằng Liên hợp quốc là diễn đàn phù hợp cho hợp tác thuế toàn cầu.
"Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo nhóm G20 thống nhất với tiến trình đang được thực hiện tại Liên Hợp Quốc, và thiết lập một quy trình thực sự dân chủ để đề ra các tiêu chuẩn toàn cầu về đánh thuế những người siêu giàu", Susana Ruiz, Trưởng nhóm Chính sách Thuế của Oxfam International cho biết.
"Giao nhiệm vụ này cho OECD — nhóm với hầu hết các quốc gia giàu có — là không phù hợp", bà nói thêm.
Quan chức Bộ Tài chính Brazil Guilherme Mello cho biết Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Hợp tác Thuế Quốc tế đại diện cho các quốc gia đang phát triển thuộc "Nam Bán cầu" khi tìm kiếm một diễn đàn bao quát hơn, vì hầu hết các quốc gia đều không phải là thành viên của OECD.
Tuy nhiên, ông Mello công nhận cả OECD và Liên Hợp Quốc là những diễn đàn hợp pháp và ông cho biết một cuộc thảo luận đang diễn ra về cách đánh thuế hiệu quả đối với những người siêu giàu đã có những tiến trình nhất định, bất kể được tổ chức tại diễn đàn nào.
"Việc vấn đề này sẽ đi đến đâu phụ thuộc vào nhiều cuộc đối thoại sắp tới", ông nói thêm.
Một số nhà quan sát vẫn hoài nghi về khả năng áp dụng "thuế tỷ phú" toàn cầu nhắm vào những người có khối tài sản lớn nhất thế giới.
Các quan chức chỉ ra rằng ngay cả Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia cũng không có quyền đánh thuế như một khối. Mặc dù Pháp đã sớm ủng hộ thuế tài sản tối thiểu toàn cầu, nhưng Đức đã phản đối gay gắt.
"Có vẻ như sẽ rất khó để giải quyết vấn đề này", một quan chức châu Âu tại các cuộc họp nhóm G20 cho biết.
Reuters