Dầu chạm đáy 6 tuần trước lo ngại tái phong tỏa gây sức ép lên nhu cầu
Đức Nguyễn
FX Strategist
Dầu thô lao dốc xuống mức thấp nhất trong 6 tuần phiên thứ Sáu tuần trước khi một lần nữa các biện pháp phong tỏa phòng dịch đặt dấu hỏi lên tương lai của nhu cầu, trong khi nguồn cung đang dần tăng trở lại.
Nhưng tin xấu cho những người tiêu dùng là, dầu giảm không đồng nghĩa với xăng sẽ giảm. Giá xăng trung bình tại Mỹ đang ở mức $3.41/gallon, mức cao nhất trong 7 năm gần đây. Một năm trước, giá xăng chỉ ở mức $2.12/gallon.
Dầu WTI giảm hơn 4% trong phiên thứ Sáu xuống $75.37/thùng, mức giá thấp nhất kể từ ngày 7/10. Đầu phiên hôm nay, dầu đang tăng nhẹ, tuy nhiên đã quay đầu giảm sau khi Áo công bố phong tỏa toàn quốc.
Nhu cầu tăng trở lại đã góp phần rất lớn trong đà hồi phục của dầu, và bất kỳ dấu hiệu cầu yếu nào sẽ khiến thị trường sợ hãi. Phong tỏa khiến nhu cầu các sản phẩm xăng dầu suy yếu do người dân không đi lại nhiều và các doanh nghiệp phải đóng cửa. Nếu các biện pháp phong tỏa được áp dụng ở các quốc gia châu u khác, thị trường có thể quá cung.
“Thị trường vẫn đang tốt, về mặt các yếu tố cơ bản, nhưng phong tỏa đang là một rủi ro lớn nếu các quốc gia khác theo bước Áo,” theo Craig Erlam, chuyên gia phân tích thị trường tại Oanda. “Nếu giá giảm xuống $80, đợt điều chỉnh có thể tiếp tục kéo dài, có thể xuống dưới vùng $74-75.
Hợp đồng tương lai dầu WTI đáo hạn tháng Một cũng đã giảm 3.8% xuống $75.44/thùng. HĐTL dầu Brent cũng đã giảm xuống $78.15, mức thấp nhất kể từ ngày 1/10.
Cả dầu WTI và Brent đều đã giảm 4 tuần liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 3/2020, khi đại dịch bắt đầu bùng phát.
“Nhu cầu xăng xe giảm do việc di chuyển vào mùa đông đã khiến nhu cầu phần nào suy yếu,” theo Hiệp hội Ô tô Hoa Kỳ (AAA). “Nhưng nguồn cung hạn chế sẽ khiến giá dầu biến động, chứ không giảm.”
Dù phiên thứ Sáu là phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng Bảy, dầu đã giảm trong nhiều tuần gần đây. Chính quyền Tổng thống Biden đã tìm nhiều cách để hạn chế ảnh hưởng của giá dầu cao lên người tiêu dùng. Một cách trong đó là giải phóng trữ dầu chiến lược.
“Nếu chính quyền tổng thống muốn thu hút sự chú ý của thị trường thì họ đã làm được. Lúc này, mọi con mắt đang hướng về phía Washington để xem rằng liệu họ có cùng Trung Quốc xả trữ dầu chiến lược để tiếp tục đạp giá dầu xuống,” theo Louise Dickson, chuyên gia phân tích cao cấp tại Rystad Energy. “Mỹ đang công khai chèo lái thị trường dầu, đặc biệt là với OPEC+, gây sức ép lên nhóm này tăng mạnh sản lượng và giảm nhẹ áp lực giá. Các quốc gia nhập khẩu dầu khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang ủng hộ Mỹ.”
Dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng việc xả trữ dầu chiến lược sẽ không có ảnh hưởng lâu dài.
“Giá dầu chắc chắn sẽ suy yếu, nhưng trữ dầu chiến lược chỉ có thể hỗ trợ cung trong ngắn hạn, và không thể giải quyết vấn đề cốt lõi của việc thiếu đầu tưu và nhu cầu tăng,” theo UBS.
Ngoài những áp lực chính trị, giá dầu cũng đang chịu áp lực từ nguồn cung tăng, đặc biệt là khi Mỹ đang đẩy mạnh sản xuất trở lại.
Dầu WTI tăng mạnh trong năm 2021 và lập đỉnh 7 năm tại $85.41/thùng vào ngày 25/10. Kể từ đó, dầu đã giảm 11.5%. Dù vậy, dầu vẫn đang tăng 55% từ đầu năm.
CNBC