Dầu hướng tới tuần giảm sâu nhất trong nhiều tháng
Lê Nhật Thanh
Junior Analyst
Giá dầu hồi phục từ mức đáy năm vào thứ Sáu khi các nhà đầu tư đổ xô vào bắt đáy, nhưng vẫn sẽ chốt tuần giảm mạnh do lo ngại về suy thoái kinh tế và lãi suất tăng có khả năng làm xói mòn nhu cầu dầu thô.
Thị trường chẳng hề để ý tới việc đường ống Keystone giữa Hoa Kỳ-Canada đóng cửa sau sự cố tràn dầu ở Kansas, khi giới phân tích cho rằng sự gián đoạn nguồn cung cũng không giúp ích được gì khi nhu cầu ngày càng tồi tệ đi.
Những cảnh báo về suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ vào năm 2023, khi lãi suất và lạm phát tăng cao, đã khiến thị trường dầu thô lao dốc trong tuần này.
HĐTL dầu Brent tăng 0.5% lên 76.91 USD/thùng vào đầu phiên giao dịch châu Á, trong khi HĐTL dầu WTI kỳ tăng 1.2% lên 72.31 USD/thùng. Cả hai đều phục hồi từ mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021, tuy nhiên đến phiên giao dịch châu Âu đã thoái lui.
Cả hai sẽ chốt tuần giảm khoảng 10%.. Dầu Brent đang hướng đến tuần tệ nhất kể từ cuối tháng 7, trong khi dầu WTI sẽ chốt tuần giảm sâu nhất kể từ cuối tháng 3.
Giờ đây, trọng tâm đã chuyển sang dữ liệu PPI tháng 11 của Hoa Kỳ được công bố vào thứ Sáu. Dù PPI được dự báo giảm nhẹ so với tháng 10, thị trường vẫn cảnh giác với bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy áp lực giá dai dẳng.
Dữ liệu này cũng sẽ là tiền đề cho CPI - thông tin được thị trường quan tâm nhất, và sẽ được công bố vào tuần tới.
Dữ liệu kinh tế mạnh hơn dự kiến từ Mỹ trong tuần qua đã làm dấy lên lo ngại rằng áp lực giá sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để hạ nhiệt. Thị trường lao động nước này vẫn thắt chặt, trong khi hoạt động kinh doanh cũng đang có dấu hiệu phục hồi mặc dù lãi suất tăng.
Một kịch bản như vậy có thể thúc đẩy Fed tăng lãi suất cao hơn dự kiến, gây thêm áp lực lên nhu cầu dầu thô. Ngân hàng trung ương này dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tuần tới.
Mặc dù dữ liệu gần đây cho thấy lượng dự trữ dầu thô giảm nhiều hơn dự kiến, dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất tiếp tục tăng báo hiệu rằng nhu cầu thành phẩm vẫn yếu.
Tuy nhiên, dầu có thể sẽ tăng nhẹ trở lại vào năm 2023 khi nhu cầu từ Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, được cải thiện. Trung Quốc đã tuyên bố nới lỏng một số biện pháp chống COVID. Điều này có thể thúc đẩy phục hồi kinh tế, kích cầu dầu trở lại mức trước đại dịch.
Nhưng một loạt dữ liệu yếu được công bố trong tuần này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Investing