Dầu tiếp tục suy yếu trước khả năng Mỹ và Trung Quốc xả trữ dầu chiến lược
Đức Nguyễn
FX Strategist
Dầu tiếp tục bị suy yếu mạnh trong phiên hôm nay, kéo dài đà giảm từ đỉnh 7 năm hồi tháng Mười, khi giới đầu tư chuẩn bị tinh thần cho khả năng Mỹ và một số quốc gia khác như Trung Quốc đồng loạt mở kho trữ dầu chiến lược.
Dầu WTI tiếp tục giảm 1.1% sau khi suy yếu trong phiên thứ Tư xuống đáy 6 tuần. Tổng thống Biden và chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã trao đổi về việc xả kho dầu trong tuần nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định. Bắc Kinh hiện đang lên kế hoạch cho việc này, theo một phát ngôn viên Cục Dự trữ Chiến lược và Lương thực Quốc gia Trung Quốc.
Đợt suy yếu mới đây của dầu thô trái ngược hoàn toàn với đà tăng từ tháng Mười. Kể từ đó, dầu liên tục chịu sức ép từ phía chính quyền tổng thống Biden, cùng với dự báo của OPEC rằng thị trường có thể chuyển từ thâm hụt sang thặng dư ngay trong tháng tới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế nói rằng cơn khát dầu sắp được giải tỏa nhờ sản lượng tăng.
“Rõ ràng là thị trường dầu đang chuẩn bị cho khả năng xả mạnh,” theo Daniel Hynes, chiến lược gia giao dịch hàng hóa tại ANZ. Nhưng khối lượng cũng sẽ nhanh chóng được mua sạch, và “sẽ gần như không có ảnh hưởng tới các yếu tố cơ bản của thị trường.”
Sự suy yếu của dầu có thể thấy rõ ở sự chênh lệch giá theo thời gian. Dù thị trường vẫn đang trong tình trạng bù hoãn bán (giá hợp đồng ngắn hạn cao hơn hợp đồng dài hạn), một tín hiệu giá tăng, mức chênh lệch đã hẹp dần. Chênh lệch giá dầu Brent tháng tiếp theo hiện ở mức 92 cent/thùng, giảm so với mức $1.02/thùng 1 tuần trước.
Ngoài ra, giá giao ngay cho dầu Nga vốn được ưa thích tại Trung Quốc cũng đã giảm $1/thùng. Đầu tuần này, loại dầu này đang được giao dịch với mức cao nhất kể từ tháng 1/2020.
Giá dầu hiện tại:
- Hợp đồng dầu WTI giao tháng 12 giảm 1.1% còn $77.5/thùng tại sàn giao dịch hàng hóa New York
- Hợp đồng giao tháng 1 giảm 0.9% còn $76.86/thùng
- Hợp đồng dầu Brent giao tháng 1 giảm 0.6% còn $79.8/thùng trên sàn ICE châu Âu
Ngoài khả năng xả trữ dầu chiến lược, tổng thống Biden cũng đã nhắm trực tiếp tới xăng. Trong tuần này, ông đã thúc giục Ủy ban Thương mại Liên bang hạn chế các hành vi phi hợp pháp trong thị trường nhiên liệu.
Các phía khác cũng đang chịu rất nhiều sức ép. Một số nhà lập pháp tại Mỹ đang tận dụng giá dầu tăng mạnh để tìm cách áp đặt OPEC vào luật chống độc quyền. OPEC cùng với các đồng minh, bao gồm Nga đã không chấp nhận yêu cầu tăng sản lượng mạnh hơn từ tổng thống Biden.
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng tại Mỹ đã ghi nhận trữ dầu tại đây giảm hơn 2 triệu thùng trong tuần trước, mức giảm mạnh nhất từ giữa tháng 9. Trữ xăng trên cả nước cũng đã giảm.
Bloomberg