Đầu tư vào cổ phiếu câu lạc bộ bóng đá: Nghe rất hay nhưng đừng vội mừng!
Đức Nguyễn
FX Strategist
Đau đầu vì đội bóng bạn thích đá như hạch? Giờ hãy tưởng tượng đầu tư vào một câu lạc bộ làm ăn như hạch xem?
Manchester United, một trong những câu lạc bộ lớn nhất nước Anh, đang tìm kiếm chủ mới. Đây là một trong số ít những đội bóng đại chúng với biến động cổ phiếu sẽ thách thức niềm tin của ngay cả những người hâm mộ trung thành nhất.
Các đội bóng không thể đảm bảo được tăng trưởng lợi nhuận như cổ đông yêu cầu, do phong độ bất thường ảnh hưởng đến nguồn thu như phát sóng, tài trợ, vé và tiền thưởng. Lương cầu thủ và phí chuyển nhượng đóng góp rất nhiều vào chi phí.
Theo Russ Mould, giám đốc đầu tư tại AJ Bell, “đội bóng giống như ngân hàng đầu tư. Họ có thể kiếm khối tiền nếu mọi thứ hoạt động tốt, mất rất nhiều khi tình hình chuyển xấu, và ngay cả lúc mọi thứ đều ổn, tiền sẽ về tay nhân sự, không phải chủ sở hữu hay cổ đông."
Dù là một trong những câu lạc bộ lớn nhất nước Ý với 36 danh hiệu Serie A, cổ phiếu Juventus lại giảm 70% so với mức IPO vào năm 2001. Ajax, một trong những lò đào tạo trẻ tên tuổi nhất châu Âu, cũng đã giảm 17% kể từ khi lên sàn năm 1998. Club Brugge, đội bóng hàng đầu tại Bỉ cũng đã hủy niêm yết trên sàn Brussels năm ngoái, với lý do điều kiện thị trường.
Cổ phiếu Juventus kể từ khi lên sàn
Trong khi một cổ phiếu S&P 500 trung bình có khoảng 20 nhà phân tích cung cấp thông tin, con số này cho Man Utd chỉ là 4, còn Juventus chỉ là 6.
Có nhiều lý do cho việc các đội bóng không còn hứng thú lên sàn nữa. Theo Dan Plumley, giảng viên tài chính thể thao tại Đại học Sheffield Hallam, “tôi nghĩ đó không còn là chiến lược tốt cho các đội bóng.”
Thất bại trên sân cỏ có thể khiến cổ phiếu giảm sâu. Cổ phiếu Juventus đã giảm 7% sau trận thua trước AC Milan trong tháng 10, và trong năm 2019 cũng đã giảm tới 18% chỉ trong một phiên sau khi thua Ajax trên đấu trường C1.
Và còn nhiều rủi ro nữa. Bà đầm già đang bị điều tra, với chủ tịch Agnelli và toàn bộ ban giám đốc đã từ chức trước các cáo buộc sai phạm liên quan đến hồ sơ tài chính của đội.
Còn về Man Utd, nhà Glazer đã mua lại đội bóng vào năm 2005 trong một thương vụ LBO, đưa câu lạc bộ vào cảnh nợ nần, và ông chủ mới này cũng không hề được lòng những người hâm mộ kể từ đó. Trong khi cả đội tiếp tục giành nhiều danh hiệu dưới thời Sir Alex, kể từ khi ông nghỉ hưu vào năm 2013, và cũng là lần cuối Man Utd vô địch Ngoại hạng Anh, sự oán giận cho nhà Glazer không hề nguôi ngoai.
Sau khi xuống dưới mức giá IPO năm 2012 phần lớn năm nay, cổ phiếu Man Utd, từng giảm tới 60% từ đỉnh năm 2018, đã tăng phi mã trước tuyên bố đang nghiên cứu các phương án bán câu lạc bộ cho chủ mới.
Cổ phiếu Man Utd đã tăng gấp đôi từ đáy năm trước tin nhà Glazer có ý định rao bán đội bóng
Trên thực tế, lương cầu thủ sẽ không phải là vấn đề quá lớn cho các câu lạc bộ dưới quyền kiểm soát của tỷ phú hay một quốc gia, chẳng hạn như PSG thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư Thể thao Qatar, hay đối thủ cùng thành phố của Man Utd - Manchester City, thuộc quyền kiểm soát của phó thủ tướng Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất Mansour Bin Zayed Al Nahyan.
“Cứ thoải mái mua cổ phiếu đội bóng vì bạn thích đội bóng đó. Nhưng hãy hiểu rõ hậu quả. Về mặt kinh tế điều đó không hợp lý chút nào đâu,” ông Mould kết luận.
Bloomberg