Jimmy Carter: Từ nông dân trồng đậu đến Tổng thống Mỹ và Nobel Hòa bình
Ngọc Lan
Junior Editor
Năm 2006, Jimmy Carter xuất bản một tác phẩm gây chấn động về Palestine khi đưa cụm từ "phân biệt chủng tộc" vào tựa đề. Dù gây nhiều tranh luận, ấn phẩm này vẫn gặt hái thành công vang dội trên thị trường.
Ông thực hiện một chuỗi các buổi giới thiệu sách dày đặc, được đạo diễn Jonathan Demme ghi lại thành phim tài liệu. Trong suốt hành trình, Carter diễn thuyết, ký tặng sách và điềm tĩnh đối đáp những chỉ trích, công kích với phong thái ôn hòa. Các đồng minh, trong đó có Nancy Pelosi - lúc bấy giờ sắp đảm nhận cương vị Chủ tịch Hạ viện - đều bày tỏ sự khó chịu. Những người ở phe đối lập thì phẫn nộ tột độ. Còn Carter, dù đã 82 tuổi, vẫn hăng hái dấn thân vào cuộc chiến mà ông cho là đáng giá.
Quả thật, với Carter - người vừa từ giã cõi đời ở tuổi 100 - dường như mọi việc đều đáng để tâm huyết. Bên cạnh cuốn sách ăn khách về xung đột quốc tế, ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm đa dạng từ thơ ca, bài giảng, hồi ký, sách tư vấn, tiểu thuyết cho đến những chiêm nghiệm về đức tin. Ông từng là nông dân ở Georgia, sĩ quan tàu ngầm Hải quân và một chính khách can đảm không chỉ rao giảng mà còn thực hành việc hòa giải chủng tộc. Không vòng vo sau những ngôn từ sáo rỗng về sứ mệnh phục vụ nhân dân, ông thẳng thẳn bày tỏ: "Tôi dấn thân vào chính trường với vị trí nghị sĩ Quốc hội, rồi tiến tới ghế Thống đốc để thỏa mãn khát khao chinh phục trong mình. Và thực sự, tôi say mê cảm giác được là người nắm trong tay quyền quyết định cao nhất."
Sinh ra trong một gia đình có người cha nghiêm khắc và người mẹ cởi mở, nhiệt tình với hoạt động xã hội - người đã gia nhập Quân đoàn Hòa bình ở tuổi gần 70 - Carter luôn khao khát làm điều thiện và mong được thế giới ghi nhận những đóng góp của mình. Ông dạy học, làm mộc và vẽ tranh - một sở thích khác mà ông cũng viết thành sách. Cho đến những năm tháng cuối đời, ông vẫn miệt mài xây nhà cho người nghèo và phát triển một quỹ từ thiện cùng viện nghiên cứu chuyên tâm vào sứ mệnh "theo đuổi hòa bình, đẩy lùi bệnh tật, xây dựng niềm hy vọng." Hơn hai thập kỷ sau khi rời ghế Tổng thống, ông được vinh danh với giải Nobel Hòa bình.
Nhìn toàn cảnh trí tuệ, sở thích, cam kết, tài năng và thành tựu của ông, Carter dường như là hiện thân của thế hệ tiên phong sáng lập nước Mỹ với tầm nhìn đa chiều, hơn là con người của thời đại chuyên môn hóa cuối thế kỷ XX.
Đó cũng là một trong những lý do khiến nhiệm kỳ Tổng thống của ông luôn là điều gây tranh luận. Ông là một chính khách tài ba, khéo léo đến mức tạo được hòa bình giữa Ai Cập và Israel, nhưng đồng thời cũng cứng nhắc và lúng túng đến nỗi đánh mất sự ủng hộ của đa số đảng viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội, vô tình phá hỏng thế đa số có thể đã thay đổi quỹ đạo và vị thế của ông trong lịch sử.
Năm 2009, khi hay tin Jody Powell - cựu Thư ký báo chí Nhà Trắng - đột ngột qua đời vì đau tim, vị cựu Tổng thống 80 tuổi đã tự mình lái xe đến viện dưỡng lão để trực tiếp thông báo tin buồn cho mẹ của Powell. Thế nhưng, trong thời gian tại vị ở Nhà Trắng, dù nắm trong tay quyền lực chính trị to lớn, ông lại không biết vận dụng để lôi kéo các nhà lãnh đạo quyền lực khác, bao gồm Thượng nghị sĩ Edward Kennedy - đối thủ đe dọa tương lai chính trị của ông. Khi đối mặt với khủng hoảng năng lượng, nạn lạm phát trì trệ và sau đó là cuộc khủng hoảng con tin, đáng lẽ Tổng thống đã cần có thêm đồng minh bên cạnh.
Hình ảnh người dân thường mặc áo len cardigan, hạ nhiệt độ điều hòa Nhà Trắng và kêu gọi người dân Mỹ hy sinh sự thoải mái vì lợi ích quốc gia, lại bị nhiều người cho là kiêu ngạo, đạo đức giả và trịch thượng. Carter từng phát biểu rằng việc tiết kiệm trong thời kỳ khan hiếm có thể là điều thú vị, gắn kết gia đình, gắn kết cộng đồng và khiến chúng ta tự hào về bản thân. Tuy nhiên, Carter lại thất bại thê thảm trong việc thu phục Washington. Như Powell đã ghi lại trong hồi ký, giới báo chí Washington không chấp nhận việc bị bất kỳ chính trị gia nào coi thường, đặc biệt là từ một nông dân trồng đậu phộng đến từ một nơi hẻo lánh tầm thường ở Nam Georgia.
Thành công muộn màng của Carter với tư cách một "cựu Tổng thống kiểu mẫu" có lẽ nên được nhìn nhận như một hình mẫu lý tưởng cho tuổi già đáng kính. Ông dành những bữa ăn thanh bình bên người bạn đời Rosalynn Carter cho đến khi bà qua đời năm ngoái. Ông giữ cho tâm trí minh mẫn thông qua việc suy tư, đọc sách, diễn thuyết và viết lách. Và ông vẫn giữ nguyên nhiệt huyết với những cam kết của mình về nhân quyền, nhân phẩm và môi trường sống của nhân loại. Jimmy Carter có thể không phải là một Tổng thống vĩ đại, nhưng ông xứng đáng là một bậc trưởng lão đáng kính của mọi thời đại.
Bloomberg