"Điểm danh" các yếu tố sẽ tác động lớn tới giá vàng và giá đồng trong tuần này
Nguyễn Vũ Phương Nam
Junior Analyst
Giá vàng giảm nhẹ xuống dưới mức quan trọng vào thứ Hai, do thị trường thận trọng trước dữ liệu CPI của Mỹ và cuộc họp của Fed diễn ra trong tuần này, trong khi sự không chắc chắn về số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc đã gây áp lực lên giá đồng
Giá vàng đã phản ứng tích cực với dữ liệu tuần trước khi chỉ số PPI tháng 11 của Mỹ tiếp tục hạ nhiệt, mặc dù với tốc độ chậm hơn dự kiến. Chỉ số CPI, được công bố vào thứ Ba, có thể có xu hướng tương tự.
Lạm phát Mỹ gia tăng đã khiến Fed mạnh tay tăng lãi suất trong năm nay, điều này đã gây áp lực nặng nề lên thị trường kim loại do làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ các tài sản phi lợi suất.
Fed sẽ kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày vào thứ Tư, dự kiến sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản. Nhưng quy mô của các đợt tăng lãi suất trong tương lai sẽ chủ yếu được quyết định dựa vào xu hướng lạm phát của Mỹ.
Vàng giao ngay giảm 0.2% xuống 1,793.72 USD/oz, trong khi HĐTL vàng giảm 0.3% xuống 1,804.95 USD/oz. Kim loại này đã kết thúc tuần trước hầu như không thay đổi, khi các trader hướng đến các dữ liệu quan trọng được công bố trong tuần này.
Các kim loại quý khác cũng giảm vào thứ Hai, với HĐTL bạch kim giảm 1.7%, trong khi HĐTL bạc giảm 0.9%.
Thị trường cảnh giác với các dấu hiệu cho thấy lạm phát Mỹ vẫn cao hơn dự kiến trong tháng 11, điều này có thể khiến Fed tăng lãi suất mạnh tay hơn. Fed đã cảnh báo rằng lãi suất có thể đạt đỉnh ở mức cao hơn dự kiến nếu lạm phát dai dẳng.
USD tăng nhẹ vào thứ Hai trước dự đoán về các chỉ báo kinh tế Mỹ, đồng thời được hỗ trợ bởi dữ liệu PPI cao hơn dự kiến.
Trong số các kim loại công nghiệp, giá đồng giảm vào thứ Hai sau hai tuần tăng liên tiếp, do tình hình COVID bất ổn tại Trung Quốc ngày càng gia tăng.
HĐTL đồng giảm 0.4% xuống 3.8412 USD/pound.
Trung Quốc đã nới lỏng một số hạn chế trên toàn quốc vào tuần trước, một động thái sẽ thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng việc nới lỏng các biện pháp phòng chống COVID có khả năng làm tăng số ca nhiễm trong thời gian ngắn, điều này có thể trì hoãn việc Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh các hạn chế.
Điều này đã khiến thị trường nghi ngờ về khoảng thời gian phục hồi kinh tế tại quốc gia nhập khẩu đồng lớn nhất thế giới.
Dữ liệu từ một số nền kinh tế lớn suy yếu cũng làm giảm triển vọng đối với đồng.
Investing