Dollar Mỹ chịu áp lực giảm trước các dữ liệu kinh tế và mùa báo cáo thu nhập của các công ty Mỹ
Đồng đô la Mỹ đã bắt đầu tuần mới một cách trầm lắng vào sáng thứ Hai khi các nhà đầu tư dự báo dữ liệu kinh tế toàn cầu và báo cáo thu nhập của các công ty Hoa Kỳ sẽ rất xấu. Đây sẽ là các yếu tố để đánh giá xem sự lạc quan của thị trường về triển vọng kinh tế có thể duy trì hay không?
Đồng bạc xanh đã giảm 3 tuần liên tục trong khi các nhà đầu tư mua vào các loại tiền tệ nhạy cảm với rủi ro (như EUR, AUD,..) và đặt cược rằng tác động lớn nhất của đại dịch đã kết thúc.
Chỉ số đồng USD so với rổ tiền tệ đang ở mức 96.45, giảm nhẹ sau khi mất khoảng 0.5% trong tuần trước.
Các ca nhiễm Covid-19 mới của Hoa Kỳ tiếp tục tăng mạnh vào cuối tuần qua, bang Florida đã báo cáo sự gia tăng hơn 15,000 ca COVID-19 mới trong 24 giờ, một kỷ lục đối với bất kỳ tiểu bang nào, vượt qua mức cao nhất ở New York vào tháng 4.
Yukio Ishizuki, chiến lược gia tiền tệ cao cấp tại Chứng khoán Daiwa cho biết: "Các ca nhiễm COVID-19 tăng là một tín hiệu xấu nhưng hiện tại, thị trường dường như đang nghĩ rằng điều tồi tệ nhất là các bệnh viện không thể tải nổi số ca nhiễm mới và buộc phải phong tỏa nền kinh tế một lần nữa, sẽ không xảy ra".
Sự kỳ vọng vào việc phát triển của thuốc điều trị và vaccine cho COVID-19 cũng đang hỗ trợ cho tâm lý thị trường, cũng như các dữ liệu kinh tế đang chỉ ra rằng nền kinh tế đang phục hồi trở lại sau khoảng thời gian bị phong tỏa.
Masafumi Yamamoto, chiến lược gia tiền tệ tại Mizuho Securities, cho biết: "Chúng tôi đã chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng sau đợt sụt giảm nghiêm trọng của các dữ liệu kinh tế. Nhưng sắp tới, đà cải thiện có thể chậm lại hoặc thậm chí chúng ta có thể thấy sự suy giảm một lần nữa do làn sóng lây nhiễm thứ hai gây ra”.
Ông lưu ý rằng: Một thước đo niềm tin của người tiêu dùng hàng tuần ở Úc đã giảm trở lại sau khi các ca lây nhiễm tăng đột biến ở Melbourne và điều này hoàn toàn có thể lặp lại ở Hoa Kỳ vì sự bùng phát dịch bệnh ở đây lớn hơn rất nhiều so với làn sóng lây nhiễm thứ 2 tại Melbourne của Úc.
Dữ liệu đo lường lạm phát tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ cho tháng 6 sẽ được công bố vào Thứ 3 trong khi doanh số bán lẻ là thước đo chính cho tiêu dùng sẽ được công bố vào Thứ 5.
Mùa báo cáo thu nhập của các công ty tại Hoa Kỳ sẽ bắt đầu trong tuần này, cung cấp một góc nhìn khác để đánh giá quy mô thiệt hại cũng như sự phục hồi cho nền kinh tế, kể từ sau đại dịch.
Các nhà đầu tư cũng đang rất chú ý tới Trung Quốc, nơi có đà phục nồi nền kinh tế rất tốt vì dịch bệnh tại đây đã được ngăn chặn và kiểm soát.
Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu thương mại tháng 6 vào thứ 3 và một loạt các dữ liệu khác, bao gồm cả GDP quý II, vào thứ 5.
USD/CNH hiện tại đang được giao dịch tại mức 6.9986 vào sáng nay.
EUR/USD đang được giao dịch ở mức 1.13267 và tiếp tục duy trì xu hướng tăng chậm kể từ cuối tháng trước.
Đáng chú ý nhất cho EUR trong tuần này là hội nghị thượng đỉnh EU sẽ được tổ chức vào ngày 17-18/7, nơi các nhà lãnh đạo cùng thảo luận và tìm cách thu hẹp khoảng cách về ngân sách dài hạn và các kế hoạch kích thích kinh tế.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu ông Charles Michel đã đề xuất một ngân sách chung EU nhỏ hơn cho năm 2021-2027 so với dự kiến trước đây nhằm xoa dịu các quốc gia ở phía bắc.
USD/JPY đang được giao dịch ở mức 106.830, giảm xuống mức thấp trong hai tuần gần đây là 106.635 được thiết lập vào thứ Sáu.