Đón chờ CPI tối nay: Lạm phát tăng nóng có buộc Fed phải hành động?
Đỗ Duy Đạt
Associate Manager, FX G7
Đồng Dollar mạnh lên kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh Nga-Ukraine bất chấp lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, cho thấy đồng tiền này được thúc đẩy bởi tâm lý lo ngại rủi ro hơn là triển vọng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang. Chỉ số DXY tăng hơn 2% trong tuần đầu tiên của tháng 3 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2020 trên 99.00.
Phát biểu mới nhất từ các quan chức Fed xác nhận rằng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản (bps) tại cuộc họp chính sách vào tháng Ba. Các nhà đầu tư nhận thấy rất ít hoặc không có cơ hội tăng 50 bps vào tuần tới nhưng báo cáo lạm phát hôm thứ Năm có thể buộc Fed phải làm gì đó. Chủ tịch Fed tại Cleveland, Loretta Mester, nói với CNBC vào tuần trước rằng nhiệm vụ chính của Fed là loại bỏ các biện pháp kích thích với tốc độ cần thiết để giảm lạm phát.
Lạm phát hàng năm ở Mỹ, được đo bằng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI), dự kiến sẽ tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ là 7.9% trong tháng 2 từ mức 7.5% trong tháng 1. CPI lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, được dự báo sẽ tăng từ 6% lên 6.4%.
Điều này có ý nghĩa gì với thị trường?
Các thị trường đã kỳ vọng lạm phát ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong tháng Hai. Chỉ số CPI mạnh hơn dự báo sẽ giúp đồng Dollar tiếp tục vượt trội so với các đồng tiền khác ngay cả khi không có đợt tăng lãi suất 50 bps vào tháng 3. Fed luôn có thể tăng 25 bps để tránh gây ra phản ứng thị trường đáng kể nhưng cho thấy rằng họ có thể cân nhắc việc tăng lãi suất mạnh mẽ hơn trong tương lai. Trong khi điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 3, Powell nói rằng họ sẽ sẵn sàng nâng lãi suất thêm 50 bps nếu lạm phát tiếp tục kéo dài hơn dự kiến.
Mặt khác, phản ứng tiêu cực của đồng Dollar đối với lạm phát suy yếu có khả năng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do thực tế là nó sẽ không bao gồm đà tăng giá năng lượng của tháng Ba.
Cần phải đề cập rằng cho đến cuộc họp FOMC vào tuần tới, những thay đổi trong nhận thức về rủi ro có thể có tác động đáng kể đến định giá của đồng Dollar hơn bất kỳ dữ liệu kinh tế vĩ mô nào. Nếu căng thẳng địa chính trị khiến giảm bớt nhờ sự lạc quan về một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Nga-Ukraine, thì đồng Bạc Xanh có thể sẽ suy yếu bất kể kết quả dữ liệu lạm phát.
FXStreet