Đồng GBP bị bán tháo sau phát biểu của Thống đốc BoE
Lê Nhật Thanh
Junior Analyst
Thống đốc BOE cho biết các quỹ có ba ngày để giảm vị thế. Nhóm vận động hành lang cho rằng khoảng thời gian này là không đủ với các nhà đầu tư.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Andrew Bailey, cảnh báo các bên quản lý quỹ rằng thời hạn tới cuối tuần này để cơ cấu lại các vị thế mà họ không thể duy trì, trước khi ngân hàng trung ương ngừng hỗ trợ thị trường, gây ra tình trạng bán tháo đối với đồng bảng Anh và chứng khoán Mỹ.
“Thông điệp của tôi tới các quỹ liên quan và tất cả các doanh nghiệp là các bạn chỉ còn ba ngày,” Bailey cho biết tại cuộc họp thường niên của Viện Tài chính Quốc tế ở Washington hôm thứ Ba. "Bạn phải hoàn thành việc này."
Bình luận này đã làm chao đảo các thị trường lớn, khi chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào cuối phiên giao dịch và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng. GBP/USD giảm xuống dưới mốc 1.10 lần đầu tiên kể từ ngày 29 tháng 9 và ảnh hưởng đến các chỉ số chứng khoán. Nó tiếp tục giảm 1% lần cuối xuống 1.09 lúc 4:10 chiều 11/10 ở New York.
Trước đó, vào thứ Ba, ngân hàng đã thông báo mở rộng chương trình mua trái phiếu của mình, lần đầu tiên bao gồm các khoản nợ liên quan đến lạm phát nhằm ngăn chặn cái mà họ gọi là “bán tống” đe dọa sự ổn định của thị trường tài chính. Trong khi ngân hàng trung ương cho biết gói hỗ trợ của họ sẽ kết thúc vào thứ Sáu, một nhóm vận động hành lang đại diện cho các quỹ hưu trí của Vương quốc Anh đã thúc giục Bailey gia hạn chương trình ít nhất cho đến cuối tháng, nói rằng các nhà đầu tư không có đủ thời gian để cắt giảm vị thế của họ.
Simon Harvey, người đứng đầu bộ phận phân tích FX tại Monex Châu Âu cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng thị trường sẽ buộc Ngân hàng phải kéo dài các biện pháp này hoặc tung ra các biện pháp mới vào giữa tháng 11, lập trường cứng rắn của họ về việc loại bỏ cơ chế hỗ trợ đang không ủng hộ đồng bảng Anh. Các hành động của BoE đang mang đến sự tuyệt vọng”.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Andrew Bailey, kêu gọi các nhà đầu tư hoàn tất cơ cấu các vị thế mà họ không thể duy trì, đồng thời cho biết ngân hàng trung ương sẽ ngừng can thiệp vào thị trường theo kế hoạch vào cuối tuần này. Đồng bảng Anh giảm mạnh khi có tin tức. Mike McKee của Bloomberg tường thuật trên Bloomberg Television.
Daniela Russell, người đứng đầu bộ phận lãi suất của Anh tại HSBC cho biết: “Hai tuần là không đủ, và có nhiều việc cần phải làm hơn nữa. Các quỹ hưu trí đang thực hiện từng bước để giải quyết các vấn đề thanh khoản của họ nhưng họ hiện đang theo đuổi một mục tiêu di động khi lợi suất tiếp tục tăng."
Bailey đã phải vật lộn với tình trạng hỗn loạn trên thị trường kể từ khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Kwasi Kwarteng công bố kế hoạch cắt giảm thuế 45 tỷ bảng Anh (50 tỷ USD) trong nỗ lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Vương quốc Anh.
Thống đốc ngân hàng trung ương nói với dân chúng của mình rằng ông đã làm việc suốt mấy đêm liền để tìm ra biện pháp can thiệp thị trường. BOE không muốn mua trái phiếu chính phủ vì làm như vậy sẽ không mấy khác biệt với chính sách tiền tệ, theo đó BOE đã mua 875 tỷ bảng Anh với chính sách nới lỏng định lượng.
Bailey nói: “Chúng tôi có hai thứ hoạt động theo hai hướng trái ngược nhau.” BOE đang tăng lãi suất và cho biết họ hy vọng sẽ bắt đầu bán trái phiếu chính phủ từ chương trình Nới lỏng Định lượng, nhưng hiện tại họ nhận thấy mình đang mua trái phiếu chính phủ để ngăn chặn sự bất ổn trên thị trường.
Các quan chức của ngân hàng đã cố gắng đưa ra một chính sách nhắm trực tiếp vào những căng thẳng nổi lên trong các quỹ LDI, nhưng họ đã bị ngăn cản do “vấn đề cấu trúc”, Bailey nói. Điều đó đã khiến họ đưa ra cam kết ban đầu của ngân hàng là mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài.
Bailey cho hay: “Cuối cùng, chúng tôi không thể can thiệp trực tiếp vào lĩnh vực cụ thể đó. Vì vậy, chúng tôi đã phải thông báo rằng chúng tôi đã sử dụng trái phiếu thông thường." Vào đầu tuần, gói này đã được mở rộng để bao gồm trái phiếu doanh nghiệp và vào thứ Ba, trái phiếu chính phủ liên kết chỉ số index cũng được thêm vào.
BOE trước đây đã thực hiện các bài kiểm tra về khả năng biến động của thị trường, nhưng các động thái trong vài tuần qua đã vượt ra ngoài tình huống xấu nhất của BOE.
Các quỹ có quyền truy cập vào tính thanh khoản mà họ cần nhưng sẽ phải vật lộn để "mang nó đi" mà không làm thị trường đảo lộn.
Ông nói rằng bây giờ có "một cơ hội cho các quỹ hưu trí thực hiện việc tái cân bằng này."
Bailey cũng sử dụng nền tảng này để hoan nghênh kế hoạch tăng trưởng của chính phủ và quyết định công bố các kế hoạch tài chính trước sự giám sát độc lập của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách. Ông nói, nếu chính phủ có thể nâng cao xu hướng tăng trưởng, điều đó sẽ giúp ích cho việc điều hành chính sách tiền tệ. Ông nói thêm: “Đưa OBR trở lại là điều quan trọng. Cũng như việc chính sách tiền tệ phải có khuôn khổ, chính sách tài khóa cũng vậy”.
Tuy nhiên, ông cảnh báo chính phủ không nên thúc đẩy quá mạnh việc bãi bỏ quy chế tài chính như một phần trong kế hoạch về các quyền tự do hậu Brexit. Một điều quan trọng trong các cải cách từ phía nguồn cung của chính phủ là làm sao để lĩnh vực tài chính không bị cản trở.
“Tính cạnh tranh trong các dịch vụ tài chính là thứ quan trọng. Với tư cách là cơ quan quản lý, chúng tôi phải điều chỉnh chính sách để hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Nhưng đồng thời, “các quy định chặt chẽ một cách hiệu quả là yếu tố quan trọng trong việc trở thành một trung tâm tài chính mạnh”.
Ông cũng lấy ví dụ cuộc khủng hoảng thị trường gần đây để một lần nữa kêu gọi các tiêu chuẩn khắt khe hơn cho khu vực tài chính phi ngân hàng, khi các nhà quản lý tài sản không được quản lý chặt chẽ và các quỹ đầu cơ nằm ngoài ngân hàng và là nguyên nhân của sự bất ổn mới nhất.
Bloomberg