Động lực nào cho siêu chu kỳ mới của hàng hóa toàn cầu?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Không chỉ đơn thuần dựa vào sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, một siêu chu kỳ của hàng hóa sẽ cần một động lực lớn hơn thế để bùng nổ trong dài hạn
Siêu chu kỳ tăng giá tiếp theo của hàng hóa toàn cầu có thể đang sắp bắt đầu với sự dịch chuyển nhanh chóng sang các loại xe điện và năng lượng xanh. Xu hướng trên sẽ đặc biệt có lợi đối với các kim loại như đồng, platinum cũng như là khí tự nhiên, và đồng thời phủ bóng đen lên dầu mỏ, than đá và palladium.
Không phải ai cũng đồng ý với thuật ngữ “siêu chu kỳ” bởi trên thực tế nó thường được sử dụng một cách sai lệch để chỉ xu hướng tăng giá trong trung hạn của hàng hóa nói chung đơn thuận do triển vọng tăng trưởng tích cực của kinh tế toàn cầu. Để kiếm được lợi nhuận từ một xu hướng tăng giá thực sự trong nhiều năm của hàng hóa, các nhà đầu tư cần phải hiểu điều gì có thể tạo ra được một sự bùng nổ trong dài hạn. Chu kỳ bùng nổ gần nhất là vào đầu những năm 2000 với sự trỗi dậy của Trung Quốc khi quốc gia này tiến hành quá trình công nghiệp hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng mạnh mẽ. Điều này đã tạo ra sự thay đổi căn bản đối với hệ thống kinh tế toàn cầu cùng sự ra đời của một siêu cường kinh tế mới. Mặc dù đây là một động lực quan trọng đằng sau một siêu chu kỳ hàng hóa, nó không phải là yếu tố duy nhất. Không kém phần quan trọng đó là sự thay đổi trong cách chúng ta định giá, tiêu dùng và tác động tới hướng đi của các doanh nghiệp.
Trong cuốn sách “Năng lượng và Sự khai phá văn minh” (Energy and Civilization), Vaclav Smil đã miêu tả cách mà nhân loại tiến hóa từ việc sử dụng gia súc cho tới máy móc, trải qua hơn 2 thế kỷ tăng trưởng dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Tác động qua lại giữa sự phát triển của kinh tế toàn cầu và giá cả hàng hóa trong mỗi giai đoạn lịch sử là hết sức rõ ràng.
Hiện tại, chúng ta đang ở trước ngưỡng cửa của một sự dịch chuyển mới. Tốc độ phổ biến của các loại xe điện đã được đẩy nhanh bởi dịch bệnh Covid-19. Một nghiên cứu vừa qua từ ngân hàng UBS cho thấy những người tiêu dùng trẻ đang ngày càng có xu hướng lựa chọn các loại phương tiện chạy bằng điện. Cùng lúc đó, các nhà đầu tư cho thấy họ đang dần sẵn sàng chấp nhận các sản phẩm đầu tư gắn với năng lượng xanh với mức lợi suất thấp hơn. Các chính phủ cũng đang hướng sự kích thích tài khóa vào các loại năng lượng có thể tái chế.
Điều này không có lợi cho các loại nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và than đá cũng như là kim loại như Palladium do được sử dụng chủ yếu trong hệ thống khí thải của động cơ chạy bằng xăng.
Ở chiều ngược lại, đồng là kim loại hưởng lợi rõ ràng nhất trong dài hạn khi kim loại đỏ này chính là ông vua trong ngành công nghiệp điện. Việc sử dụng rộng rãi đồng trong hàng chục thiên niên kỷ vừa qua đồng nghĩa với việc chúng ta có thể đã dùng gần hết trữ lượng khả dụng do vậy nguồn cung sẽ dần trở nên hạn chế hơn.
Nguồn cung điện sẽ phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, do vậy chúng ta sẽ cần phải cân bằng các dạng sản xuất. Có 3 sự lựa chọn khả dụng hiện tại: Xây dựng hệ thống pin trữ điện lớn, điện hạt nhân hoặc phụ thuộc vào các loại năng lượng hóa thạch sạch hơn. Trong thực tế, chúng ta vẫn sẽ phải sử dụng hỗn hợp cả 3 phương thức trên, đồng nghĩa với việc triển vọng đối với khí tự nhiên vẫn sẽ còn sáng lạn ở phía trước.
Platinum là một trường hợp đặc biệt. Mặc dù cũng được sử dụng chủ yếu trong các động cơ đốt trong giống như Palladium, nó cũng có thể được sử dụng trong các phương tiện chạy bằng điện và do đó vẫn có thể được ứng dụng rộng rãi.
Nói tóm lại, sự dịch chuyển trong hành vi của nhân loại đối với các nguồn năng lượng sẽ có tác động sâu rộng và có đủ khả năng để dẫn dắt sự bùng nổ của một nhóm hàng hóa nhất định cũng như triệt tiêu nhu cầu của một số hàng hóa khác trong tương lai.
Bloomberg