Đồng USD giảm nhẹ trong phiên giao dịch thận trọng đầu năm 2025, Yên Nhật "lơ lửng" ở đáy 5 tháng
Ngọc Lan
Junior Editor
Bước vào phiên giao dịch đầu năm 2025, đồng USD có những dao động nhẹ sau một năm thống trị mạnh mẽ trước các đồng tiền chủ chốt. Trong khi đó, đồng yên Nhật vẫn đang chạm đáy trong vòng hơn 5 tháng, phản ánh tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước viễn cảnh Mỹ duy trì chính sách lãi suất cao kéo dài.
Thị trường tài chính đầu năm đang đặc biệt quan tâm đến chính quyền Trump sắp nhậm chức cùng những chính sách mới. Những động thái này được kỳ vọng không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế mà còn tạo áp lực lạm phát đáng kể, từ đó hỗ trợ lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và thúc đẩy nhu cầu nắm giữ USD.
Chênh lệch lãi suất đáng kể giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn đã là một yếu tố chi phối thị trường ngoại hối trong năm qua, khiến đa số các đồng tiền chịu áp lực giảm mạnh trước sức mạnh của đồng USD trong năm 2024.
Đồng Yên Nhật là đồng tiền chịu tác động nặng nề nhất với mức giảm hơn 10% trong năm 2024, đánh dấu năm suy yếu thứ tư liên tiếp. Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2025, tỷ giá USD/JPY đi ngang quanh mốc 157.10, sát với mức đáy 5 tháng được thiết lập vào thứ Ba, khiến thị trường đề phòng khả năng chính phủ Nhật can thiệp để bảo vệ đồng nội tệ.
Thị trường Nhật Bản sẽ nghỉ giao dịch trong các ngày còn lại của tuần.
Chỉ số US Dollar Index - thước đo sức mạnh đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt - giảm nhẹ 0.2% xuống 108.32 trong phiên thứ Năm nhưng vẫn gần với đỉnh 2 năm được thiết lập vào thứ Ba. Chỉ số này đã tăng 7% trong năm 2024 khi giới đầu tư liên tục điều chỉnh giảm kỳ vọng về các đợt cắt giảm lãi suất.
"Đồng USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ vị thế thống lĩnh trong năm nay nhờ mức lợi suất hấp dẫn, nền kinh tế vượt trội và vai trò là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn," theo nhận định của bà Charu Chanana, Giám đốc Chiến lược Đầu tư tại Saxo.
Triển vọng tăng trưởng ảm đạm bên ngoài nước Mỹ, cùng với căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy thêm nhu cầu nắm giữ USD như một kênh trú ẩn an toàn.
Tỷ giá EUR/USD tăng nhẹ 0.11% lên 1.0366 trong phiên thứ Năm sau khi đã sụt giảm hơn 6% trong năm 2024. Giới giao dịch dự báo ECB sẽ thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất quyết liệt hơn trong năm 2025, với tổng mức giảm dự kiến là 113 bps, so với mức 42 bps được kỳ vọng từ Fed.
Tỷ giá GBP/USD đang được giao dịch quanh mốc 1.2519. Dù suy giảm 1.7% trong năm qua, đồng bảng Anh vẫn là đồng tiền có hiệu suất ấn tượng nhất trong nhóm G10 so với USD, chủ yếu nhờ sức khỏe nền kinh tế Anh vượt xa những dự báo bi quan của giới phân tích.
Đồng Nhân dân tệ chạm đáy 14 tháng trong bối cảnh thị trường lo ngại về triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nguy cơ đối mặt với thuế nhập khẩu mới từ chính quyền Trump, cùng với áp lực từ lợi suất trong nước suy giảm đã khiến tâm lý nhà đầu tư thêm phần thận trọng.
Sau khi trải qua năm giảm giá thứ ba liên tiếp với mức suy giảm 2.8% so với USD trong năm 2024, tỷ giá USD/CNY đã hồi phục từ vùng đỉnh 7.31. Các chuyên gia thị trường nhận định động thái này có thể phản ánh ý định của Bắc Kinh trong việc bình ổn đồng nội tệ trước thềm Donald Trump tái nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Cả đồng AUS và đồng NZD đều đã thoát khỏi vùng đáy hai năm được thiết lập trong phiên thứ Ba. Tỷ giá AUD/USD tăng 0.36% lên 0.6215 sau khi đã chứng kiến mức sụt giảm 9% trong năm 2024 - mức suy giảm mạnh nhất kể từ năm 2018.
Tỷ giá NZD/USD ghi nhận mức tăng 0.52% lên 0.5617 trong phiên thứ Năm, sau khi đã trải qua năm 2024 đầy biến động với mức giảm 11.4% - đánh dấu năm suy yếu tồi tệ nhất của đồng tiền này kể từ năm 2015.
Hiệu suất của các đồng tiền G10 so với đồng USD trong năm 2024
Reuters