Dòng vốn vẫn đổ vào các thị trường mới nổi châu Á
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Còn nhớ thời điểm năm 2013, việc thu hẹp chương trình mua tài sản của Fed đã khiến thị trường tài chính toàn cầu rúng động và kích hoạt động thái bán tháo tài sản tại các thị trường mới nổi, đẩy nhiều đồng tiền của các nền kinh tế này rớt giá mạnh. Tuy nhiên lần thu hẹp này của Fed diễn biến khác hẳn khi mà các nhà đầu tư vẫn đặt cược vào triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á.
Chẳng hạn như tại Indonesia, dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán vẫn rất mạnh, thậm chí thị trường trái phiếu vốn nổi tiếng biến động của nước này vẫn bình thản trong suốt thời gian qua, kể cả khi Fed thông báo sẽ bắt đầu giảm quy mô mua vào trái phiếu và chứng khoán thế chấp ngay từ cuối tháng này. Trong khi thời điểm năm 2013, đồng Rupiah đã giảm tới 17% chỉ trong 5 tháng sau khi Chủ tịch Fed Ben Bernanke tuyên bố thu hẹp chương trình mua tài sản.
Theo các nhà phân tích, nguyên nhân một phần do lần thu hẹp này được truyền thông tốt hơn nên không khiến các thị trường bất ngờ. Nhưng nguyên nhân chính là do nền tảng cơ bản của các nền kinh tế châu Á hiện đang rất tốt, trong khi lạm phát cũng bớt nóng hơn và các nền kinh tế hướng tới xuất khẩu của khu vực được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ sự phục hồi của nhu cầu toàn cầu. Ngoài ra những thay đổi ở Trung Quốc cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng và họ đang tìm cách chuyển dòng tiền của mình sang các thị trường mới nổi khác.
ì thế các nhà đầu tư đặt cược rằng “cú sốc” năm 2013 sẽ không lặp lại. “Chúng ta đã trải qua năm 2013, 2018 và tôi không nghĩ rằng nó sẽ giống như vậy trong chu kỳ tăng lãi suất này”, Howe Chung Wan - Trưởng bộ phận thu nhập cố định khu vực châu Á của Principal Global Investors tại Singapore cho biết. Theo ông, thời điểm này tại châu Á có những thứ khác đáng quan tâm hơn cả Fed, chẳng hạn như nền kinh tế và thị trường tín dụng của Trung Quốc, biến động giá cả hàng hóa cũng như dòng tiền chảy vào thị trường cổ phiếu...
Quả vậy, sức hấp dẫn đối với việc niêm yết sắp tới đã kéo dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán của Indonesia khiến thị trường này đang hướng tới năm tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 2017. Ngoài những nguyên nhân kể trên thị Indonesia còn đang được hưởng lợi lớn từ cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại. Theo đó việc giá than và dầu cọ tăng vọt, trong khi Indonesia là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới các mặt hàng này đã đưa thặng dư thương mại của Indonesia tăng lên mức kỷ lục.
Thế nhưng các thị trường chứng khoán khác trong khu vực như Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ cũng đang hướng tới những mốc tương tự. Chẳng hạn như tại thị trường chứng khoán Việt Nam, theo các nhà phân tích của UBS, số tài khoản cá nhân đã tăng khoảng 1/3 kể từ cuối năm 2019 lên hơn 3 triệu tài khoản, qua đó hỗ trợ thúc đẩy chỉ số VN-Index tăng 50% trong năm nay, gấp đôi so với mức tăng của S&P 500. Tại Indonesia, dữ liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán nước này cũng cho thấy, số lượng nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu tính đến ngày 19/10 đã tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 6,7 triệu.
Mặc dù vậy theo các chuyên gia, các nền kinh tế mới nổi châu Á vẫn có thể chịu tác động khi mức lãi suất cực thấp hiện nay tại Mỹ tăng lên. Tuy nhiên trước mắt, bất chấp việc Fed tuyên bố sẽ bắt đầu thu hẹp chương trình mua tài sản, dòng vốn vẫn chảy mạnh vào thị trường vốn cổ phần của các nền kinh tế mới nổi.
Trong một báo cáo công bố vào cuối tháng 9, các nhà phân tích của Deutsche Bank cũng cho biết: "Năm thành viên vốn rất mong manh trước đây của châu Á nay cũng ít mong manh hơn nhiều", đề cập đến Indonesia và Ấn Độ, cùng với Brazil, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị tổn thương nặng nề vào năm 2013 khi dòng tiền nước ngoài đảo chiều.
Link gốc tại đây.
Theo Thời báo Ngân hàng