Đồng Yên Nhật "lên xuống như chong chóng": Liệu thị trường có trụ vững?
Ngọc Lan
Junior Editor
Giới trader FX toàn cầu đang trong tâm thế "ngồi trên thảm lửa" theo dõi những động thái của Nhật Bản nhằm hỗ trợ đồng Yên. Kỳ nghỉ lễ dài sắp tới tại London và Tokyo càng khiến họ không dám sơ suất, bởi đây có thể là thời điểm chính quyền Nhật Bản tận dụng để can thiệp thị trường, vực dậy đồng Yên đang "mong manh" của mình.
Đồng Yên Nhật Bản hiện đang ở mức yếu nhất kể từ năm 1990. Tuần qua, đồng tiền này cũng đã trải qua biến động giá mạnh nhất kể từ năm 2022, thời điểm BoJ buộc phải mua vào đồng Yên lần đầu tiên kể từ năm 1998.
Các nhà giao dịch nghi ngờ chính quyền Nhật Bản đã bí mật can thiệp vào thị trường ngoại hối ít nhất hai ngày trong tuần này. Dữ liệu từ BoJ cho thấy các quan chức có thể đã chi gần 60 tỷ USD, tương đương với số tiền họ bỏ ra trong ba lần can thiệp hồi tháng 9 và tháng 10/2022.
Kế hoạch can thiệp lần này, theo suy đoán của giới giao dịch, có thể liên quan đến việc tận dụng thời điểm thị trường thiếu thanh khoản. Ngoài ra, chuỗi ngày nghỉ lễ sắp tới của Nhật Bản cùng kỳ nghỉ lễ thứ Hai tại Anh - trung tâm giao dịch ngoại hối lớn nhất thế giới, cũng có thể tạo ra một "cửa sổ" thuận lợi cho các hoạt động can thiệp.
Các đợt can thiệp ngoại tệ nghi ngờ của Nhật Bản diễn ra khá bất ngờ: một đợt trùng vào ngày nghỉ lễ trong nước (thứ Hai), đợt khác lại vào giờ muộn tại New York (thứ Tư). Việc can thiệp vào những thời điểm thị trường ngoại hối hoạt động ít hơn có thể tạo ra tác động mạnh mẽ hơn, giúp BoJ đạt được hiệu quả cao với chi phí bỏ ra.
Mặc dù vậy, cho đến nay, chính quyền Nhật Bản vẫn từ chối lên tiếng về các hoạt động này.
Ông Simon Harvey, Giám đốc bộ phận phân tích ngoại hối tại Monex Europe - công ty chuyên tư vấn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư về quản lý ngoại tệ - nhận định: "Chúng tôi khuyến nghị khách hàng không nên bất ngờ trước những lần can thiệp theo kiểu ''đánh úp'' này. Đây là chiến lược đa phương diện và có chủ đích bất minh, nhằm tác động mạnh mẽ đến tâm lý chung của thị trường."
Reuters đã phỏng vấn một số ngân hàng đầu tư lớn và công ty quản lý tài sản ở London về kế hoạch nhân sự của họ cho Thứ Hai (ngày lễ).
Ít nhất ba công ty cho biết bàn giao dịch ngoại hối vẫn có nhân viên trực vào các ngày lễ để theo dõi các thị trường nước ngoài, nhưng họ cũng nói thêm rằng việc điều chỉnh nhân sự là điều bình thường nếu cần thiết.
Sự biến động của đồng Yên
Lý do gây lo ngại
Vào kỳ nghỉ lễ thứ Hai của Nhật Bản, USDJPY đã chạm mức cao nhất 34 năm là 160.245 trước khi bị đánh bật trở lại xuống mức thấp 154.40 vào thời điểm thị trường châu Âu mở cửa. Ngoại trừ các lần can thiệp trước đó, đồng USD hiếm khi giảm mạnh như vậy trong vài năm gần đây.
Vào cuối ngày giao dịch thứ Tư tại Mỹ, đồng USD bất ngờ lao dốc giảm 1% chỉ trong 5 phút, sau đó tiếp tục giảm thêm 2% trong nửa giờ tiếp theo, chạm mức thấp nhất trong ngày.
Theo dữ liệu từ CME Group, khối lượng giao dịch Yên giao ngay trên sàn EBS đạt 77 tỷ USD vào thứ Hai, mức cao nhất kể từ tháng 11/2016.
Dữ liệu cũng cho thấy vào thứ Tư, khối lượng giao dịch đạt 42 tỷ USD, trong đó 78% diễn ra trong một khung giờ duy nhất vào cuối giờ New York.
Một nhà giao dịch tại London cho biết: "Sự biến động gia tăng gần đây xảy ra trong thời điểm thị trường thiếu thanh khoản, điều này gây ra tâm lý lo lắng trước kỳ nghỉ lễ sắp tới."
Vị thế yếu thế
Trong hơn một thập kỷ qua, đồng Yên Nhật Bản đã liên tục suy yếu, chủ yếu là do lãi suất của Nhật Bản duy trì ở mức thấp hơn đáng kể so với các nền kinh tế lớn khác, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Chỉ trong ba năm qua, đồng Yên đã mất giá khoảng 35% so với đồng USD. Điều này giúp các nhà xuất khẩu Nhật Bản tăng sức cạnh tranh nhưng đồng thời cũng khiến chi phí nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.
Sự chênh lệch lãi suất lớn giữa Nhật Bản và Mỹ đang khuyến khích các nhà đầu tư duy trì carry trade JPY, bất chấp rủi ro BoJ can thiệp.
Trong tuần kết thúc ngày 23/4, các nhà đầu cơ đã đặt cược bearish nhất đối với đồng Yên trong 7 năm qua, tính theo đồng USD, theo cơ quan quản lý thị trường của Mỹ.
Biến động của đồng Yên, được đo bằng giá hợp đồng quyền chọn qua đêm, đã tăng mạnh kể từ khi BoJ can thiệp vào tháng 9/2022.
Theo dữ liệu của LSEG, biến động của đồng Yên trung bình ở mức 9.4% kể từ đó, so với mức trung bình 7.8% trong 13 năm qua.
Các ngân hàng trung ương và công ty không thích sự biến động tỷ giá vì điều này làm phức tạp việc quản lý rủi ro của họ, trong khi điều này lại mang lợi cho các trader bởi đây là thời điểm kiếm lời của họ.
Nhưng biến động quá mức, chẳng hạn như mức biến động xảy ra vào thứ Hai và thứ Tư, lại tiềm ẩn rủi ro cao.
"Những biến động này thường diễn ra trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, nhưng giờ đây chúng bị ''nén lại'' chỉ trong vài phút," James Malcolm, Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối tại UBS, nhận định.
"Chỉ trong vài phút, thành quả cả năm hoặc cả sự nghiệp của mọi người có thể được định đoạt, thay vì cần đến nhiều ngày hay nhiều tháng."
Nhà đầu tư bán khống đồng Yên
Reuters