Đồng Yên suy yếu do số liệu sản xuất của Mỹ làm tăng rủi ro can thiệp ngoại hối của Nhật Bản
Bùi Thu Phương
Junior Analyst
Đồng Yên đang suy yếu, tỷ giá USD/JPY ở mức 152 – mốc quan trọng mà các nhà giao dịch nhận thấy rủi ro gia tăng khi quan chức Nhật Bản can thiệp vào thị trường, sau khi số liệu sản xuất mạnh mẽ của Mỹ công bố đã thúc đẩy đồng đô la.
Đồng Yên giảm nhẹ 0.2% so với đồng đô la vào thứ Hai, sau khi hoạt động sản xuất ở Mỹ bất ngờ mở rộng củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang sẽ đẩy lùi thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất. Điều này làm cho tỷ giá USD/JPY chạm mức 151.65 và đồng Yên giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm vào tuần trước.
Các nhà giao dịch đang cảnh giác cao độ sau khi Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết những nhà chức trách sẽ theo dõi chặt chẽ đồng Yên và sẵn sàng thực hiện các biện pháp thích hợp chống lại những biến động quá mức.
Trưởng bộ phận FX tại Jefferies Brad Bechtel cho biết: “ Quan chức Nhật Bản dường như khá lo lắng về mức 152 – một mức kháng cực dài hạn trên biểu đồ. Tôi không nghĩ họ sẽ phản ứng ngay nếu đồng Yên dần dần vượt qua mức 152 nhưng nếu tăng vọt từ 152 lên 154 hay 155 có thể sẽ có một động thái can thiệp mạnh mẽ”
Đồng Yên chạm đáy trong 34 năm vào cuối tháng Ba
Các quan chức Nhật Bản đã nói rằng khi cần thiết họ sẵn sàng hành động trên thị trường tiền tệ để ngăn chặn sự trượt giá của đồng Yên. Đồng tiền này đã mất khoảng 7% so với đồng bạc xanh cho đến nay, và là loại tiền tệ yếu nhất trong nhóm G-10 vào năm 2023.
Ngay cả sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản chấm dứt chính sách lãi suất âm cuối cùng trên thế giới, các nhà đầu tư vẫn tập trung vào chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ.
Nhà kinh tế học Bloomberg Economics Taro Kimura cho biết: “Các quan chức có thể đợi cho đến khi đồng Yên vượt qua mức 152 và thực hiện động thái sau khi làn sóng bán đồng Yên dần suy yếu - làm tăng cường tác động của sự can thiệp. Mô hình của chúng tôi cho thấy triển vọng đồng Yên khá cân bằng nhưng rủi ro nghiêng về phía tăng giá - cho thấy đây có thể là cơ hội hiếm hoi khi sự can thiệp thành công.”
Các nhà đầu tư trái phiếu hôm thứ Hai đã giảm kỳ vọng của họ về số đợt cắt giảm lãi suất tại Mỹ trong năm nay sau khi chỉ số PMI sản xuất của ISM vượt mọi ước tính của các nhà kinh tế. Điều này đã hỗ trợ cho cả đồng đô la và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, đồng thời gây thêm áp lực lên đồng Yên và các loại tiền tệ khác thuộc nhóm G-10.
Giới đầu tư hiện đang chờ đợi dữ liệu của Mỹ vào thứ Ba, khi mà các nhà kinh tế kỳ vọng số lượng việc làm trống tiếp tục giảm trong tháng Hai. Dữ liệu về bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ vào thứ Sáu và số liệu lạm phát trong tuần tới cũng sẽ giúp định hướng kỳ vọng của các nhà giao dịch.
Bloomberg