Đồng Yên suy yếu không phải vấn đề của Ngân hàng trung ương Nhật Bản
Đức Nguyễn
FX Strategist
Ngân hàng trung ương Nhật Bản có thể không có nhiều công cụ đối phó với sự suy yếu của đồng Yên lúc này, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đây không phải là mối quan tâm chính của họ.
USDJPY vượt 130 trong phiên thứ Năm sau khi BoJ giữ nguyên chính sách siêu nới lỏng, trái ngược hoàn toàn với nhiều nền kinh tế lớn khác, khi nhiều NHTW đã bày tỏ lo ngại về lạm phát.
Trong phiên Á, cặp tiền giao dịch tại mức 130.21, giảm rất sâu so với mức 115 hồi đầu tháng Ba.
Đồng yên đã sập mạnh so với đồng bạc xanh suốt nhiều tuần do phân kỳ chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và Mỹ.
Vào thứ Năm, BoJ tuyên bố tiếp tục mua không giới hạn trái phiếu chính phủ Nhật Bản để tiếp tục mục tiêu kiểm soát lợi suất.
Ngược lại, Cục Dự trữ Liên bang lại kiên quyết mạnh tay chống lạm phát. Công cụ CME FedWatch dự báo gần như 100% Fed sẽ tăng 50bp trong tháng Năm.
Theo Kazuo Momma, kinh tế trưởng Mizuho Research & Technologies, “nhiều người đang nói đến trường hợp mà BoJ sẽ điều chỉnh chính sách của mình, nhưng tôi không nghĩ điều này sẽ xảy ra.”
Trước hết, chênh lệch lợi suất giữa Mỹ và Nhật vẫn sẽ rất lớn kể cả khi BoJ “điều chỉnh lãi suất một chút.”
Hơn nữa, bất kỳ điều chỉnh chính sách kiểm soát lợi suất của BoJ có thể phản tác dụng và tạo nhiều suy diễn về nước đi tiếp theo của họ.
“Một nước đi sai sẽ rất nguy hiểm với BoJ. Họ đang cẩn trọng trước áp lực thị trường,” ông Momma nói. “Họ sẽ tiếp tục ra tín hiệu không thay đổi việc kiểm soát lợi suất.”
Hai chuyên gia khác cũng nói BoJ đã hành động đúng khi giữ nguyên chính sách.
Theo ông Takatoshi Ito, người từng phục vụ phó bộ trưởng tài chính Nhật Bản, “tỷ giá hối đoái không phải mối quan tâm chính của BoJ.” Đây là vấn đề của bộ tài chính
“Đúng là lãi suất có ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái, nhưng cả chi phí vốn và vay mua nhà, và nhiều tài sản dài hạn khác. Đây là một các rất gián tiếp để điều chỉnh tỷ giá hối đoái.”
Cùng quan điểm với ông Ito, Masakazu Hosomi từ RMB Capital nói rằng chính sách của BoJ vẫn đang đi theo con đường giải quyết giảm phát.
Kể từ năm 2016, NHTW này đã áp dụng lãi suất âm để chấm dứt hàng thập kỷ giảm phát thông qua kích thích vay mượn và tiêu dùng. Những nỗ lực của họ vẫn chưa thể giúp đạt được mục tiêu lạm phát 2%, và BoJ vẫn chưa thể nâng lãi suất.
“Không như Mỹ hay châu Âu, vấn đề của Nhật Bản là giảm phát, không phải lạm phát,” Hosomi, một quản lý tài sản của RMB cho biết.
CNBC