Đồng yên suy yếu: Thách thức hay cơ hội cho chứng khoán Nhật Bản?
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Mặc dù chứng khoán Nhật Bản đang bùng nổ và tiến gần mức cao kỷ lục, các nhà quản lý tài sản lại đang tăng cường đặt cược vào sự mất giá của đồng yên - lên mức cao nhất trong hơn một năm qua, cho thấy nhà đầu tư vẫn rất thận trọng về rủi ro tỷ giá.
Hệ số tương quan giữa vị thế đồng yên và Topix 100 đứng ở mức -0.56 tính đến ngày 13/2, mức cao nhất kể từ năm 2020, theo phân tích của Bloomberg dựa trên dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Hoa Kỳ (CFTC).
Điều này cho thấy các nhà quản lý tài sản có cái nhìn bi quan hơn với đồng yên khi các cổ phiếu có vốn hóa lớn của Nhật Bản tăng giá.
Tỷ giá USD/JPY đã tăng gần 6% trong năm nay, đi ngược với dự báo cho rằng đồng yên sẽ phục hồi vào năm 2024. Sự mất giá của đồng yên làm giảm lợi nhuận từ đà tăng của thị tường chứng khoán Nhật Bản đối với các nhà đầu tư toàn cầu tính theo đồng đô la Mỹ, họ có thể là những nhà đầu tư đang chuyển nguồn vốn từ thị trường chứng khoán Trung Quốc ảm đạm sang thị trường Nhật Bản.
Đồng yên suy yếu do kỳ vọng ngày càng tăng rằng ngay cả khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007 trong những tháng tới, họ cũng sẽ không vội nâng lãi suất thêm nữa.
Wei Li, nhà quản lý danh mục đầu tư tại BNP Paribas Asset Management, cho biết: “Chúng tôi vốn rất ưa thích cổ phiếu Nhật Bản, nhưng chúng tôi vẫn phải phòng ngừa rủi ro tỷ giá” vì đồng yên có thể sẽ iếp tục suy yếu.
Các nhà giao dịch bán khống yên có thể thu được lợi nhuận khi chi phí hedging đồng Yên hiện ở mức -5.6%, miễn là đồng Yên không tăng trở lại
Chỉ số Topix 100 đã tăng 14% trong năm nay, tiếp nối đà tăng 27% của năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2013. Chỉ số này đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1990, một phần do sự lạc quan rằng tình trạng giảm phát của Nhật Bản sắp kết thúc.
Tổng lượng mua ròng cổ phiếu và HĐTL chứng khoán Nhật Bản trong 52 tuần đã tăng lên 8.1 nghìn tỷ yên (54 tỷ USD) vào giữa tháng 1/2024, mức cao nhất tính từ năm 2015. Mặc dù lượng mua đã chậm lại còn 5.8 nghìn tỷ yên trong tuần kết thúc vào ngày 9/2, con số này vẫn mạnh hơn nhiều so với mức trung bình 2.4 nghìn tỷ yên kể từ năm 2015.
Yukio Ishizuki, chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại Daiwa Securities, cho biết: “Khi chứng khoán Nhật Bản tăng giá, nhu cầu bán đồng yên để phòng ngừa rủi ro tỷ giá của nhà đầu tư nước ngoài tăng lên. Ông dự đoán rằng đồng yên sẽ giảm trở lại mức thấp của năm ngoái do lo ngại về việc BoJ tăng lãi suất chậm và dần dần trong khi Fed giảm lãi suất muộn hơn dự kiến.
Bloomberg