Đồng Yên yếu đè nặng nền kinh tế Nhật Bản: Thâm hụt thương mại lên mức cao
Ngọc Lan
Junior Editor
Nhập khẩu của Nhật Bản tăng thấp hơn dự báo, đẩy cán cân thương mại của nước này vào thâm hụt và làm nổi bật gánh nặng kinh tế ngày càng gia tăng do đồng tiền mất giá.
Theo Bộ Tài chính báo cáo vào thứ Tư, nhập khẩu của Nhật Bản đã tăng 8.3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với dự báo đồng thuận là 8.9%. Điều này đã đẩy cán cân thương mại của nước này vào thâm hụt 462.5 tỷ Yên (3 tỷ USD), trong khi trước đó thặng dư 387 tỷ Yên.
Xuất khẩu cũng tăng 8.3%, thấp hơn so với dự báo là tăng 11%.
Nhật Bản rơi vào tình trạng thâm hụt thương mại trở lại do đồng Yên yếu
Kim ngạch xuất khẩu được thúc đẩy bởi các lô hàng ô tô, do ngành này đang phục hồi sau bê bối tại Daihatsu Motor, một công ty con của Toyota trong phần lớn quý đầu tiên. Xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn và linh kiện điện tử bao gồm chip cũng tăng trưởng. Nhập khẩu tăng nhờ dầu thô và máy bay.
Thâm hụt thương mại, một yếu tố tiêu cực cho GDP, phản ánh những khó khăn kinh tế ngày càng gia tăng gắn liền với đồng Yên suy yếu của Nhật Bản. Mặc dù đồng Yên yếu giúp đẩy mạnh lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu như Toyota Motor, đồng tiền này cũng làm tăng cao chi phí nhập khẩu tất cả mọi thứ, từ nhiên liệu và thực phẩm đến nguyên liệu thô cần thiết cho sản xuất.
"Kịch bản chính của tôi là mọi thứ sẽ đi đúng hướng khi lạm phát chi phí đẩy giảm và tiêu dùng phục hồi nhờ tác động của việc tăng lương," Taro Saito, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu NLI cho biết. "Nhưng kịch bản rủi ro của tôi là đồng Yên yếu hơn sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát chi phí đẩy hiện tại và gây thiệt hại cho tiêu dùng."
Với đồng Yên đang giao dịch quanh mức thấp nhất trong 34 năm so với đồng USD, phần lớn các công ty Nhật Bản trong một cuộc khảo sát cho biết điều này đang trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn vì vấn đề này buộc họ phải kết chuyển chuyển chi phí nguyên liệu thô tăng cao sang cho khách hàng. Một số công ty mong đợi BoJ sẽ can thiệp, vì chênh lệch lãi suất lớn so với Mỹ là một yếu tố chính thúc đẩy xu hướng này. Thống đốc Kazuo Ueda đã cảnh báo về việc đồng Yên yếu vượt mức vào đầu tháng 5.
Mặc dù nhu cầu mạnh mẽ ở các thị trường nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, mang lại tín hiệu tích cực cho Nhật Bản, nhưng nó cũng đi kèm những thách thức. Mặt tích cực là xuất khẩu mạnh mẽ có thể giúp nền kinh tế Nhật Bản quay trở lại tăng trưởng trong quý hiện tại. Điều này cũng gián tiếp cho thấy sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mức tăng trưởng xuất khẩu không đồng đều theo khu vực. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc lần lượt tăng 8.8% và 9.6%, trong khi xuất khẩu sang châu Âu lại giảm 2%.
Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết tỷ giá trung bình USDJPY là 151.66 trong tháng 4, cao hơn gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Biến động mạnh gần đây của đồng Yên, sau khi tỷ giá USDJPY vượt qua mốc 160 vào cuối tháng 4, cho thấy khả năng chính quyền đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để hỗ trợ đồng nội tệ.
Đồng Yên yếu không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại mà còn tác động đến toàn bộ nền kinh tế và chính sách. Tình trạng này làm gia tăng lo ngại về lạm phát chi phí đẩy. Lạm phát chi phí đẩy khiến giá cả hàng hóa tăng nhưng sức mua giảm, ảnh hưởng đến tiêu dùng. BoJ đang theo dõi diễn biến thị trường để đánh giá liệu mức tăng lương cao có giúp người tiêu dùng vượt qua chi phí sinh hoạt leo thang và quay trở lại chi tiêu mạnh mẽ hay không. Chi tiêu mạnh mẽ có thể kích thích lạm phát do cầu kéo.
Nền kinh tế lớn thứ tư thế giới - Nhật Bản - đã suy thoái trong quý 1 năm 2024 do người tiêu dùng và doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu. Dự kiến nền kinh tế sẽ phục hồi trong quý 2 nhưng vẫn tồn tại lo ngại về tình trạng giá cả tăng cao trong khi tăng trưởng kinh tế đình trệ.
Bloomberg