Chứng khoán Mỹ đã không thể duy trì đà tăng như cuối tháng 5 và chốt tuần giảm nhẹ do tâm lý risk-off bắt đầu trở lại. Giám đốc điều hành JP Morgan - Jamie Dimon cảnh báo các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho một "cơn bão" kinh tế. Elon Musk cũng có chung suy nghĩ và cảnh báo rằng ông có "cảm giác cực kỳ tồi tệ" về tình hình hiện tại. S&P 500 giảm 1.2%, trong khi Nasdaq 100 giảm khoảng 1%.
Bất chấp sức mạnh hiện tại của nền kinh tế, các nhà đầu tư vẫn rất lo lắng về triển vọng và lo ngại rằng Fed khó có thể hạ cánh an toàn. Thị trường vẫn dự báo rằng NHTW Mỹ đẩy mạnh tăng lãi suất nhằm khôi phục bình ổn giá. Lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng, với lợi suất kỳ hạn 2 năm bắt đầu quay trở lại mức cao nhất trong chu kỳ trong vài phiên giao dịch vừa qua.
Với quá nhiều bất ổn, phố Wall giao dịch ảm đạm. Dữ liệu tốt giờ đây được coi là dấu hiệu cho thấy nhu cầu vẫn mạnh và dẫn đến lạm phát cao hơn, còn dữ liệu xấu là tín hiệu của suy thoái. Trong bối cảnh này, biến động có thể tiếp tục tăng cao và gây ra những đợt nhiễu loạn, khiến cổ phiếu rất khó có thể phục hồi ổn định.
Đầu tuần tới lịch kinh tế sẽ khá nhẹ nhàng, nhưng sau đó sẽ là báo cáo lạm phát Mỹ, chỉ số tâm lý người tiêu dùng và rất nhiều cuộc họp NHTW. Để tâm lý được cải thiện một cách có ý nghĩa, áp lực lạm phát sẽ phải tiếp tục giảm bớt cho thấy viễn cảnh tồi tệ nhất đã qua. Với việc chi phí năng lượng tăng trở lại, lạm phát CPI tháng 5 dự kiến sẽ không thay đổi ở mức 8.3%, lạm phát CPI lõi được dự báo giảm từ 6.2% xuống 5.9%. Con số này càng thấp thì càng tốt cho tài sản rủi ro.
Đối với chỉ số S&P 500, định giá đã giảm và có vẻ đã hợp lý hơn sau đợt bán tháo năm 2022. Chỉ số P/E dự phóng 12 tháng đã giảm từ 22 vào đầu năm xuống 17 - sát với mức trung bình 10 năm. Mặc dù thị trường đã đỡ được phần nào sóng gió nhưng vẫn không có nhiều sự kiện để giúp tâm lý lạc quan hơn, đặc biệt là việc các nhà đầu tư lớn không quan tâm nhiều đến việc tái triển khai vốn vào cổ phiếu. Trong môi trường này, S&P 500 có khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh.
BIỂU ĐỒ S&P 500 KHUNG DAILY