Đức được dự báo là nền kinh tế lớn duy nhất tại châu Âu suy thoái trong năm nay
Nguyễn Mai Vinh
Junior Analyst
Theo dự báo mới của Ủy ban châu Âu, Đức là nền kinh tế lớn duy nhất ở châu Âu sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái kéo dài trong năm 2023.
Nền kinh tế Đức được dự đoán sẽ giảm 0.4% hoạt động kinh tế trong năm nay - thấp hơn 0.6% so với ước tính đưa ra vào tháng 5, theo ủy ban công bố dự báo mới vào thứ Hai (11/9). Tổ chức này cũng cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng của Đức vào năm 2024, từ 1.4% xuống 1.1%.
Nền kinh tế Đức vấp phải nhiều khó khăn sau cuộc tấn công Ukraine của Nga, trong đó Berlin phải nhanh chóng chấm dứt nhiều năm phụ thuộc năng lượng vào Điện Kremlin. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho biết vào tháng 7 rằng Đức có thể sẽ suy thoái 0.3% trong năm nay.
Các nhà kinh tế hàng đầu đã mệnh danh cường quốc kinh tế truyền thống là “kẻ bệnh hoạn của châu Âu”. Khái niệm này được đặt ra vào năm 1998 khi Đức phải đối mặt với những thách thức kinh tế sâu sắc. Nhưng hiện nay nó lại nổi lên khi Berlin ghi nhận sản lượng sụt giảm sâu.
Dữ liệu công bố đầu tháng 9 cho thấy hoạt động sản xuất tại nước này giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 6/2009, ngoại trừ thời kỳ đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế khác không cho rằng không thể so sánh những tai ương hiện tại của Đức với các cuộc suy thoái trước đó.
“Tình hình nước Đức ngày nay khác biệt rất nhiều so với những khó khăn năm 1995-2004. Thứ nhất, Đức hiện có số lượng việc làm kỷ lục, nhu cầu lao động cao và vị thế tài chính thoải mái nhất trong tất cả các nền kinh tế tiên tiến. Điều đó giúp việc điều chỉnh trước các cú sốc trở nên dễ dàng hơn nhiều”, Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Berenberg, cho biết trong một ghi chú tháng 8.
Suy thoái chung châu Âu
Các dự báo kinh tế mới nhất chỉ ra sự suy thoái chung trên toàn khu vực. 27 nền kinh tế EU hiện được dự đoán tăng trưởng với tốc độ trung bình 0.8% trong năm nay. Con số này giảm so với ước tính 1% được đưa ra vào tháng 5.
Bức tranh của năm 2024 cũng ảm đạm hơn kỳ vọng trước đó. EU dự kiến tăng trưởng 1.4% thay vì 1.7%.
Ủy ban châu Âu cho biết trong tuyên bố vào thứ Hai: “Sự suy yếu của nhu cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng, cho thấy giá tiêu dùng cao và trên đà tăng đối với hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ đang gây thiệt hại nặng nề hơn dự kiến”.
Lạm phát cao tiếp tục là một trong những thách thức chính của khối. Dự báo mới nhất cho thấy giá tiêu dùng sẽ giảm trong những tháng tới, nhưng vẫn có khả năng cao hơn mục tiêu 2% của ECB vào cuối năm 2024.
Lạm phát tiêu đề ở khu vực Eurozone được dự báo ở mức 5.6% và 2.9% lần lượt vào cuối năm 2023 và 2024.
Ủy ban cho biết: “Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ cho đến nay vẫn dai dẳng hơn dự kiến, nhưng sẽ tiếp tục ở mức vừa phải do nhu cầu giảm bớt dưới tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ và sự gia tăng hậu Covid hạ nhiệt”.
Ủy ban cảnh báo rằng áp lực giá có thể kéo dài lâu hơn. ECB sẽ họp vào thứ Năm và thông báo kế hoạch tăng lãi suất tiếp theo. Ngân hàng trung ương, kể từ tháng 7/2022, đã nâng lãi suất thêm 4.25% trong nỗ lực giảm lạm phát cao lịch sử trong khu vực.
CNBC