Đừng lo, "Ngân hàng Trung ương Toàn cầu" vẫn đang hoạt động hiệu quả!
Quỳnh Chi
Junior Editor
Phe ủng hộ sự phân kỳ chính sách giữa các NHTW dường như mong muốn một mức độ phối hợp chi tiết mà hiếm khi xảy ra ngoài thời kỳ khủng hoảng.
Sau nhiều năm đồng thuận về mục tiêu và cam kết chung, các NHTW hiện được cho là đang đi theo hướng riêng. Việc nhấn mạnh sự khác biệt trong lộ trình lãi suất, một quan điểm thường được chính các quan chức khuyến khích, là đáng tiếc và che lấp một xu hướng cơ bản. Năm tới sẽ chứng kiến việc nới lỏng chính sách tiền tệ ở hầu hết mọi nơi.
Điều duy nhất còn bỏ ngỏ là mức độ cắt giảm lãi suất - và cách thức truyền thông về những đợt cắt giảm này.
Như hầu hết các câu chuyện, sự khác biệt được cho là xoay quanh Fed. Thông thường, Fed là người định hướng cho các chu kỳ tiền tệ toàn cầu. Trong khi Chủ tịch Jerome Powell được kỳ vọng sẽ giảm lãi suất vào tháng tới và trình bày chi tiết quan điểm của ông tại Jackson Hole vào thứ Sáu, một số NHTW khác đã hành động trước xu hướng lạm phát giảm. Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ngân hàng Anh và Ngân hàng Dự trữ New Zealand đã có động thái gần đây; Trung Quốc cũng đã âm thầm nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian qua.
Tuy nhiên, những đợt cắt giảm này khá khiêm tốn và đi kèm với ngôn từ cứng rắn nhấn mạnh nguy cơ lạm phát. Dự kiến các bình luận sẽ cân bằng hơn và bớt tập trung vào vấn đề giá cả khi Fed bắt đầu tham gia. Các lãnh đạo NHTW luôn được hỏi về Fed, và họ thường nhấn mạnh rằng họ độc lập, với nhiệm vụ riêng tại quốc gia mình. Điều thường không được nói ra là họ có xu hướng không đi quá xa khỏi "con tàu mẹ" và các vấn đề toàn cầu mà họ đang giải quyết khá tương đồng. Việc các đợt cắt giảm không diễn ra cùng ngày không có nghĩa là có sự khác biệt đáng kể. Chênh lệch một hai tháng có ý nghĩa gì, khi mà tác động của điều chỉnh lãi suất thường được cho là cần thời gian dài mới ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng?
Một phần của vấn đề có thể xuất phát từ việc các chu kỳ nới lỏng lớn gần đây đều bị thúc đẩy bởi các tình huống khẩn cấp, dẫn đến phản ứng nhanh chóng trên các thị trường: cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn 2007 - 2009 và sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Các biện pháp kích thích kinh tế trong đại dịch đã được dỡ bỏ từ cuối năm 2021, ban đầu chậm rãi và sau đó quyết liệt hơn. Phải chăng chúng ta đã quên mất thế nào là “bình thường” trong chính sách tiền tệ?
Các yếu tố trong nước đóng vai trò quan trọng, nhưng xu hướng định hình các quyết định không phải lúc nào cũng bị giới hạn bởi biên giới quốc gia. Theo các chuyên gia của JPMorgan Chase, tình hình trong nước sẽ giải thích được hơn một nửa các đợt cắt giảm lãi suất dự kiến. Họ ước tính lãi suất toàn cầu đã tăng 360 bps từ đầu năm 2022 đến giữa năm 2023, và sẽ giảm 130 bps cho đến cuối năm tới. "Nếu dự báo của chúng tôi chính xác, năm tới sẽ chứng kiến đợt cắt giảm lãi suất đồng bộ nhất từng thấy ngoài thời kỳ suy thoái," họ viết. Công ty cũng chỉ ra sự khác biệt quan trọng giữa các động thái đồng bộ và phối hợp.
Phe ủng hộ sự phân kỳ chính sách giữa các NHTW dường như mong muốn một mức độ quản lý chi tiết mà hiếm khi xảy ra ngoài thời kỳ khủng hoảng. Những người ủng hộ đó hẳn phải nhìn lại một cách hoài niệm về sáng sớm ngày 8 tháng 10 năm 2008. Khi đó, sáu ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, do Fed và ECB dẫn đầu, đã cùng nhau hạ lãi suất - một hành động chưa từng có tiền lệ. Mặc dù PBoC không tham gia trực tiếp, họ cũng đã hạ lãi suất chỉ vài phút sau đó. Sự kiện này cho thấy khi đối mặt với khủng hoảng, các quốc gia sẵn sàng gác lại chủ quyền để cùng hành động. Những quyết định mang tính lịch sử như vậy vẫn còn đọng lại trong tâm trí giới chuyên gia tài chính. Tuy nhiên, may mắn là chúng ta không thường xuyên cần đến những biện pháp như vậy.
Thật không công bằng khi nói rằng quốc gia X hay NHTW Y đã "chậm chân" trong việc tăng hoặc giảm lãi suất. Đúng là so với Hàn Quốc hay New Zealand, Fed đã khởi động chu kỳ tăng lãi suất muộn hơn, bắt đầu từ tháng 3 năm 2022. Nhưng liệu những người chỉ trích Fed có thực sự muốn đối mặt với tình trạng suy thoái hai lần liên tiếp như New Zealand, và có nguy cơ lặp lại lần thứ ba không? Ngân hàng Dự trữ Australia cũng bị phê bình vì tăng lãi suất muộn, nhưng thực tế họ chỉ chậm hơn Fed hai tháng và còn nhanh hơn cả ECB. Điều quan trọng ở đây là nắm bắt đúng xu hướng chung.
Dù phải đợi đến tháng 9 mới có quyết định chính thức từ FOMC, nhưng các dấu hiệu đã khá rõ ràng. Một năm nữa, nếu may mắn, những chi tiết nhỏ về thứ tự hành động sẽ không quan trọng bằng việc nắm bắt đúng hướng đi chung. Các đợt cắt giảm lãi suất đang đến gần. Những NHTW không tham gia sẽ trở thành ngoại lệ. Đừng lo lắng, "NHTW toàn cầu" vẫn đang hoạt động hiệu quả.
Bloomberg