Đứt gãy nguồn cung dầu thực vật khiến nhu cầu tiêu thụ đậu tương ước tính tăng cao

Đứt gãy nguồn cung dầu thực vật khiến nhu cầu tiêu thụ đậu tương ước tính tăng cao

15:26 09/03/2022

Giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn giao dịch CBOT tính từ đầu tuần ngày 07/03 đã có sự tăng điểm mạnh, sau vài phiên điều chỉnh vào cuối tuần trước.

Nhu cầu đậu tương ước tính tăng cao
Nhu cầu đậu tương ước tính tăng cao

Trong đầu tuần trước (bắt đầu ngày 28/02), đậu tương đã có đà tăng giá mạnh đó nhờ vào tác động lan tỏa từ rủi ro thiếu hụt nguồn cung của lúa mì và ngô trước chiến sự giữa Nga và Ukraine, nhưng lại có sự điều chỉnh trong các phiên cuối tuần do hoạt động chốt lời sớm. Những dấu hiệu cho thấy nhu cầu của Trung Quốc gia tăng và sự thiếu hụt cây trồng ở Nam Mỹ được tính vào giá, lẫn việc ít chịu tác động trực tiếp về mặt nguồn cung từ cuộc chiến trên đã tạo ra lo ngại, khiến cho các nhà đầu tư trên thị trường có tâm lý quản trị rủi ro vị thế. Tuy nhiên, trong tuần bắt đầu ngày 07/03, căng thẳng Nga-Ukraine lại cho thấy tiềm năng về gia tăng nhu cầu tiêu thụ đậu tương sắp tới trên thị trường. Điều này đến từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng dầu thực vật từ khu vực Biển Đen.


Đứt gãy nguồn cung dầu thực vật thúc đẩy đà tăng giá đậu tương
Nga và Ukraine chiếm khoảng hơn 80% xuất khẩu dầu hướng dương toàn cầu. Hạt hướng dương ở Ukraine được gieo trồng vào khoảng tháng 4 và tháng 5 trước mùa hè, sau đó thu hoạch thường bắt đầu vào tháng 9. Các vùng sản xuất chính tại quốc gia này là Dnipropetrovsk, Kirovohrad, Kharkiv, Zaporizhia, Nikolaev, Luhansk, Odessa và Poltava, chiếm 62% tổng diện tích gieo trồng của cả nước. Theo báo cáo từ Dịch vụ nông nghiệp nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Mỹ, ước tính sản lượng dầu hướng dương trong niên vụ 2021/22 của Ukraine là 5.6 triệu tấn, tăng 9% so với niên vụ 2020/21, tuy nhiên, với việc quân đội Nga đã tiến vào các vùng gieo trồng hạt giống chính ở Kharkiv và Luhansk, hạt giống được lưu trữ ở những vùng đó sẽ không thể tiếp cận được với các máy nghiền để xuất khẩu. Ngoài ra, những hạn chế về hậu cần, hoạt động của các công ty thương mại có nguy cơ cản trở nông dân tiếp cận với phân bón và các nguyên liệu đầu vào khác khi đến gần mùa gieo trồng quan trọng, từ đó có thể tác động đến sản lượng dầu hướng dương của Ukraine cho đến dài hạn.
Bên cạnh đó, cuộc tấn công của Nga cũng đã ngăn cản hệ thống đường sắt và đường bộ ở Ukraine được sử dụng trong vận chuyển các hạt giống từ các khu vực sản xuất đến các cơ sở ép dầu hoặc bến xuất khẩu. Do được định hướng xoay quanh thị trường xuất khẩu, hầu hết các cơ sở ép dầu của Ukraine đều nằm gần các cảng Biển Đen, với 91% sản lượng của nước này được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại đối với thị trường dầu thực vật là các cảng chuyên xuất khẩu dầu hướng dương là Nikolaev, Chornomorsk, Dnipro, Odessa, Kherson và Yuzhniy thuộc khu vực Tây Nam nước này đã bị yêu cầu đóng cửa từ ngày 24/02.


Trước tình hình đóng băng nguồn cung từ Ukraine, Liên minh châu Âu đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt dầu thực vật. Trên thực tế, Ukraine cung cấp 35%-45% tổng lượng dầu hướng dương nhập khẩu của các nhà máy lọc dầu tại các quốc gia Liên minh châu Âu. Trong khi đó, tồn kho dự trữ sẵn có ở các quốc gia này được ước tính sẽ chỉ đáp ứng được nhu cầu từ 4-6 tuần. Điều này khiến cho các nhà sản xuất trên thị trường nói chung và tại Châu Âu nói riêng đang phải chuyển hướng bổ sung các sản phẩm thay thế khác như dầu hạt cải, dầu đậu tương và dầu cọ. Dầu đậu tương được cho là sản phẩm thay thế phù hợp, do tình trạng sản lượng dầu cọ của Malaysia – nhà xuất khẩu dầu cọ hàng đầu hiện nay – đang giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng do các vấn đề thiếu hụt lao động. Điều này đã khiến cho nhu cầu tiêu thụ đậu tương ước tính tăng cao trong thời gian tới, từ đó thúc đẩy giá các hợp đồng kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hoá CBOT của Mỹ.

Tồn kho đậu tương thấp kỷ lục so với trung bình 5 năm tại Trung Quốc
Trung Quốc vốn là nhà tiêu thụ dầu thực vật hàng đầu thế giới cùng với Mỹ và Ấn Độ, chiếm tỷ trọng khoảng hơn 13% tổng tiêu thụ toàn cầu. Trong số đó, dầu đậu tương ước tính chiếm đến 44% tổng tiêu thụ dầu thực vật tại Trung Quốc. Sản lượng đậu tương tại quốc gia này thông thường chỉ đủ phục vụ cho 1/4 lượng tiêu thụ tại các nhà máy ép dầu nội địa hàng năm, do đó Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu đậu tương từ hai quốc gia là Mỹ và Brazil. Đáng chú ý là, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung dầu thực vật trên thị trường thế giới và nhu cầu tiêu thụ đậu tương ước tính được gia tăng trong tương lai, tồn kho hiện tại ở Trung Quốc vẫn đang ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm qua.

Điều kiện tồn kho thấp là do trước đó Chính Phủ Trung Quốc đã ban hành văn bản hướng dẫn người dân giảm mức pha trộn protein trong thức ăn chăn nuôi. Theo đó, tỷ lệ pha trộn khô đậu tương trung bình trong năm 2021 đạt 15.3%, giảm 2.4 điểm phần trăm so với mức trong năm 2020. Tuy nhiên, với rủi ro thiếu hụt nguồn cung lương thực và dầu thực vật trên toàn cầu, tác động từ các sắc lệnh cấm vận của Mỹ dành cho Nga và đứt gãy chuỗi cung ứng từ Nga và Ukraine sẽ góp phần thúc đẩy Trung Quốc gia tăng nhập khẩu đậu tương trong tương lai. Kể từ ngày 28/01 đến 28/02, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã báo cáo tổng doanh số bán đậu tương là 5.596 triệu tấn cho Trung Quốc và các điểm đến không xác định (thông thường là Trung Quốc), tăng hơn gấp bảy lần so với tốc độ của tháng trước đó. Điều này cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu gia tăng nhập khẩu đậu tương, sau chuỗi thời gian ghi nhận khối lượng đơn hàng nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ niên vụ trước. Đồng thời, với tác động từ rủi ro nguồn cung lương thực và dầu thực vật, các nhà đầu tư trên thị trường tin rằng nhu cầu nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong các tuần tiếp theo sẽ còn tiếp tục gia tăng để bù đắp cho tồn kho, từ đó hỗ trợ mạnh cho giá đậu tương kỳ hạn.


Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:
Hotline: 0286 686 0068
Website: https://saigonfutures.com/
Fanpage: Saigon Futures Inc.

Broker listing

Cùng chuyên mục

Rủi ro đối với thị trường hàng hoá đang "nóng" hơn bao giờ hết khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang
Trần Quốc Khải

Trần Quốc Khải

Junior Editor

Rủi ro đối với thị trường hàng hoá đang "nóng" hơn bao giờ hết khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang

Sau hơn 1,000 ngày chiến sự, thị trường dường như đã quen với khả năng leo thang trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Tuy nhiên, các diễn biến gần đây - từ việc Kyiv sử dụng tên lửa được Mỹ cho phép để tấn công các mục tiêu tại Nga, đến việc Tổng thống Vladimir Putin cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công phi hạt nhân được hỗ trợ bởi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - đang đẩy xung đột lên một cấp độ đáng lo ngại.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ