ECB cần phải thận trọng để không “giết chết” đà tăng của thị trường
Đỗ Duy Đạt
Associate Manager, FX G7
Ngân hàng Trung ương châu Âu và chủ tịch của nó, bà Christine Lagarde, phải đối mặt với một thử thách quan trọng khác trong tuần này khi giữ nguyên chính sách tiền tệ, nhưng cố gắng để không phá hủy niềm tin rằng còn nhiều “đạn dược” vẫn sẵn sàng.
ECB có thể sẽ giữ nguyên chính sách sau khi tăng quy mô PEPP (Chương trình mua tài sản khẩn cấp trong đại dịch) trong tháng trước, tăng từ mức 600 tỷ Euro (686 tỷ USD) lên 1.35 nghìn tỷ Euro.
“Với vai trò là người cho vay cuối cùng, ECB đã ổn định thị trường và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính lớn có thể đã làm trầm trọng hóa cuộc suy thoái này,” Florian Hense từ Berenberg Bank cho biết trong một nghiên cứu gần đây.
“Các vấn đề tài chính đã giảm đáng kể, thị trường chứng khoán đã tăng mạnh.”
Kể từ quyết định vào ngày 4/6, một số nhà hoạch định chính sách thiên về “hawkish”, chẳng hạn như Klaas Knot từ ngân hàng trung ương Hà Lan, đã đặt câu hỏi liệu toàn bộ số tiền có cần thiết nếu nền kinh tế phục hồi nhanh hơn dự báo.
Thật vậy, tốc độ mua trái phiếu của ECB trong tuần cuối cùng của tháng 6 đã giảm xuống mức chậm nhất kể từ khi mở rộng quy mô chương trình, theo dữ liệu do ECB công bố. Điều đó có thể gợi ý một động thái “thu hẹp” quy mô PEPP trong tương lai, đặc biệt là nếu nền kinh tế phục hồi tốt hơn mong đợi.
“Chúng tôi nghĩ rằng đó là một kịch bản rất xa xôi,” Hense nói. “Trớ trêu thay, ECB càng dự tính một cách công khai như vậy, thì cuối cùng họ càng phải tăng tốc mua tài sản để bù đắp cho hậu quả kinh tế tiêu cực khi thị trường giảm kỳ vọng ban đầu về quy mô chương trình kích thích sắp tới.”
Tình hình được cải thiện
Quý 2 năm 2020 đã chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng trong hoạt động kinh tế, nhưng dữ liệu gần đây thực sự chỉ ra rằng cuộc suy thoái có thể không nghiêm trọng như dự báo trước đó.
“Tình hình có vẻ sáng sủa hơn so với 2 tháng trước,” Phó chủ tịch ECB Luis de Guindos cho biết trong một hội thảo trực tuyến do Goldman Sachs tổ chức vào ngày 8/7. Ông nói thêm rằng các dữ liệu gần đây chỉ ra rằng “có thể lạc quan hơn với sự phục hồi trong quý 3 và 4.”
Tuy nhiên sự phục hồi vẫn rất mong manh. Và tùy thuộc vào diễn biến của sự lây lan của Covid-19, cuộc khủng hoảng - hiện tại - được cho là có tác động làm giảm lạm phát.
“Chúng tôi kỳ vọng lạm phát lõi sẽ giảm xuống trong những tháng tới, trước khi nó sẽ dần tăng trở lại,” Dirk Schumacher cho biết,
“Điều này sẽ cung cấp dư địa cho ECB để họ có thể tăng quy mô chương trình mua tài sản nếu cần thiết.”