ECB có nên "song hành" cùng Fed?
Ngọc Lan
Junior Editor
ECB không thể bỏ qua hoàn toàn diễn biến lạm phát và chính sách tiền tệ của Mỹ khi vạch ra lộ trình riêng của mình, theo ông Bostjan Vasle, thành viên Hội đồng Thống đốc.
Mặc dù tình hình kinh tế ở cả hai khu vực có thể đòi hỏi những phản ứng khác nhau, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Slovenia cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Washington, nơi ông đang tham dự các cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, vẫn có những mối liên kết mà các quan chức ở Frankfurt sẽ cân nhắc.
"Tình hình kinh tế ở Mỹ hiện tại khác biệt so với Khu vực Eurozone", ông Vasle nói. "Chính vì thế, chính sách tiền tệ có thể phân kỳ. Nhưng sự khác biệt này có giới hạn."
Nhận xét được đưa ra sau khi ECB báo hiệu sẵn sàng cắt giảm lãi suất vào tháng 6 và sau khi lạm phát giảm xuống 2.4% vào tháng 3. Điều đó trái ngược với Mỹ, nơi giá cả tăng dai dẳng khiến Chủ tịch Fed Jerome Powell phải nói trong tuần này rằng các quan chức sẽ chờ đợi lâu hơn dự kiến trước khi hạ lãi suất.
Nhiều nhà hoạch định chính sách cho rằng ECB không phụ thuộc vào Fed và hoạt động dựa trên những gì đang diễn ra ở khu vực Eurozone. Thành viên Hội đồng Thống đốc Mario Centeno nói với Bloomberg hôm thứ Tư rằng ngân hàng trung ương có trụ sở tại Frankfurt không "nhìn vào Mỹ".
Tuy nhiên, nhà kinh tế học Holger Schmieding của Berenberg lại cho rằng "có khả năng đáng kể là các động lực dẫn đến lạm phát cao hơn hoặc dai dẳng hơn ở Mỹ cũng sẽ xuất hiện ở các khu vực khác trên thế giới và cả khu vực Eurozone". Ông cũng trích dẫn rất nhiều hoạt động thương mại và dòng tài chính giữa châu Âu và Hoa Kỳ.
Một lo ngại là việc nới lỏng tiền tệ kéo dài ở châu Âu trong khi Mỹ không hành động ở cùng mức độ có thể làm giảm giá đồng Euro. Chủ tịch Christine Lagarde cho biết hôm thứ Tư rằng các quan chức sẽ theo dõi những biến động một cách cẩn trọng, mặc dù không nhắm đến một mức cụ thể.
Phó Chủ tịch Luis de Guindos phát biểu trước các nhà lập pháp vào thứ Năm, nhấn mạnh rằng ECB không cam kết theo một lộ trình lãi suất cụ thể, đồng thời nhắc lại lập trường của ngân hàng trung ương rằng việc tiếp tục xu hướng giảm lạm phát sẽ cho phép nới lỏng.
Khả năng cao sẽ có động thái giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6, và có thể có thêm các lần giảm khác trong những tháng tới nếu dự báo kinh tế của ECB được thực tế chứng minh, Vasle nói.
“Nếu tình hình kinh tế đi đúng , thì việc hạ mức hạn chế và tiếp tục với các bước tiếp theo trong nửa cuối năm sẽ sớm trở nên phù hợp,” ông nói. “Khi chúng tôi bắt đầu quá trình giảm lãi suất, đối với tôi, việc thảo luận thêm về các bước tiếp theo cũng sẽ là điều cần thiết - liên quan đến tốc độ, tần suất và cả điểm dừng.”
Vasle vẫn cảnh báo rằng bất kỳ khả năng cắt giảm lãi suất nào cũng có thể bị hủy bỏ.
“Người ta có thể dễ dàng hình dung ra một kịch bản mà trong đó căng thẳng địa chính trị ảnh hưởng một cách rõ ràng đến giá năng lượng và các mặt hàng khác, và sau đó chúng tôi phải tính đến điều này,” ông nói.
Các quan chức đã chỉ ra dữ liệu về diễn biến tiền lương trong quý đầu tiên là đặc biệt quan trọng để đánh giá sức mạnh của lạm phát. Mặc dù dữ liệu này sẽ được công bố trong những tuần tới, nhưng có lý do để lạc quan, theo Vasle.
Ông nói: "Dữ liệu về tiền lương cho quý đầu tiên mà chúng tôi thấy cho đến nay tương đối thuận lợi. Nếu mọi thứ diễn ra như hiện tại với tiền lương, lạm phát sẽ giảm bớt và chúng tôi sẽ có vị thế để giảm bớt các hạn chế trong suốt cả năm."
Bloomberg