ECB có thể giữ nguyên chính sách tiền tệ bất chấp rủi ro lạm phát
Nguyễn Ngọc Mai
Analyst
Theo kết quả khảo sát được thực hiện bởi Reuters, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ giữ nguyên tổng quy mô chương trình mua tài sản của mình tại cuộc họp ngày 10 tháng 6 nhưng sẽ bắt đầu thắt chặt vào cuối năm nay. Điều này cũng đồng thời thể hiện rủi ro lạm phát tăng lên
Sự phục hồi kinh tế đang diễn ra và áp lực giá cả gia tăng, những ý kiến xung quanh việc NHTW nên giảm quy mô mua trái phiếu ngày càng phổ biến trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, một số thành viên ECB cho biết quyết định giảm quy mô chương trình tại cuộc họp chính sách ngày 10/6 là khó xảy ra.
Gần 90% các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 2 tháng 6 của Reuters cho biết ECB sẽ giữ nguyên quy mô gói mua tài sản 1.85 nghìn tỷ Euro trong Chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trong đại dịch (PEPP) tại cuộc họp tháng sáu của mình.
Angel Talavera - người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Âu tại Oxford Economics, cho biết: “Khi đà phục hồi tăng tốc, ECB tiếp tục hướng đi giữa việc duy trì các điều kiện tài chính thuận lợi và bắt đầu rút dần một số biện pháp hỗ trợ khẩn cấp được áp dụng trong đại dịch".
“Với tình trạng nền kinh tế vẫn còn dễ bị tổn thương, chúng tôi nghĩ ECB sẽ duy trì quy mô mua tài sản tại cuộc họp chính sách tháng 6 sắp tới”.
Khi được hỏi khi nào ECB sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình PEPP, phần lớn các nhà kinh tế dự đoán vào cuối năm nay, trong đó có 13 người dự đoán hành động này sẽ bắt đầu sớm nhất là vào quý tới.
Những kỳ vọng này được đưa ra bất chấp ủi ro của việc thắt chặt quá sớm mà các nhà hoạch định chính sách của ECB đã chỉ ra trước đó.
Khi được hỏi liệu ECB có thay đổi ngày kết thúc chương trình PEPP hiện tại là tháng 3 năm 2022 hay không, 28 trong số 39 nhà kinh tế dự đoán sẽ không thay đổi.
Và trả lời cho một câu hỏi khác, 31 trong số 36 người cho biết rủi ro đối với triển vọng lạm phát của họ trong năm tới sẽ nghiêng về phía tăng.
Một số nhà hoạch định chính sách của ECB cho biết NHTW sẽ xem xét kỳ vọng lạm phát tăng cao một thời gian trước khi thực sự hành động và họ chỉ coi những con số lạm phát đó là tạm thời.
Cuộc khảo sát cho thấy lạm phát toàn phần sẽ tăng mạnh lên mức trung bình 1.8% trong năm nay.
Giá tiêu dùng đã tăng 2.0% trong tháng 5 so với một năm trước đó - theo một ước tính sơ bộ - cao hơn mục tiêu của ECB là chỉ dưới 2% lần đầu tiên kể từ năm 2018.
Trên cơ sở hàng quý, lạm phát dự kiến sẽ tăng và trung bình lần lượt là 1.8%, 2.1% và 2.4% trong Quý 2, Quý 3 và Quý 4 năm 2021.
Nếu dự báo Q4 chính xác, đây sẽ là mức lạm phát trung bình cao nhất cho bất kỳ quý nào kể từ năm 2012.
Kết quả khảo sát của Reuters về lạm phát khu vực đồng euro và triển vọng tăng trưởng kinh tế
Tuy nhiên, sự gia tăng đó có thể chỉ là tạm thời, do lạm phát sau đó được dự báo sẽ giảm mạnh xuống mức trung bình khoảng 1.4% trong mỗi quý vào năm tới.
Andrew Kenningham - nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại Capital Economics, cho biết: “Việc lạm phát khu vực đồng Euro tăng vọt trong tháng 5 sẽ không phải là dấu chấm hết cho xu hướng tăng"
“Tuy nhiên, phần lớn sự gia tăng là do các yếu tố tạm thời, bao gồm mức tăng trong lạm phát năng lượng và chúng tôi kỳ vọng lạm phát toàn phần sẽ giảm trở lại thấp hơn nhiều so với mục tiêu của ECB trong năm tới”.
Triển vọng tăng trưởng của khu vực đồng Euro đã được nâng nhẹ, với sự đồng thuận chỉ ra mức tăng trưởng trung bình đạt 4.2% trong năm nay và năm tới - tăng từ 4.1% cho cả hai năm được dự đoán vào tháng trước.
“Với việc các lệnh hạn chế ngày càng được nới lỏng, tình hình kinh tế và xã hội sẽ tiếp tục hồi phục trở lại trong những tuần tới. Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khi các lệnh phong toả kết thúc - tương tự như mùa hè năm 2020 ” - Christoph Weil, nhà kinh tế cấp cao tại Commerzbank cho biết.
Reuters