ECB giữ nguyên chính sách, nhưng con đường hạ lãi suất vào tháng Sáu vẫn đang rộng mở
Tùng Trịnh
CEO
Ngân hàng Trung ương châu Âu giữ nguyên lãi suất lần thứ tư liên tiếp, do triển vọng lạm phát và tăng trưởng kinh tế hạ nhiệt đã củng cố kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất bắt đầu vào tháng Sáu.
Lãi suất tiền gửi được giữ ở mức kỷ lục 4% - đúng như dự đoán của tất cả các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát. ECB nhắc lại rằng việc duy trì chi phí đi vay ở mức này trong thời gian “đủ lâu” sẽ “đóng góp đáng kể” vào việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.
“Hội đồng quản trị ECB sẽ tiếp tục tuân theo cách tiếp cận dựa trên dữ liệu kinh tế để xác định mức độ và thời gian phù hợp cho chính sách thắt chặt”, ECB cho biết tuyên bố. “Mặc dù hầu hết các thước đo lạm phát cơ bản đã giảm bớt, áp lực giá cả trong nước vẫn ở mức cao, một phần do tiền lương tăng trưởng mạnh”.
Các nhà giao dịch đã đặt cược nhiều hơn vào kịch bản nới lỏng tiền tệ sau thông báo của ECB, thị trường định giá lãi suất sẽ giảm 100 bps vào năm 2024 so với khoảng 93 bps trước đó. EUR/USD giảm xuống 1.0874, trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm của Đức giảm 6 điểm cơ bản xuống 2.26%.
ECB, giống như Cục Dự trữ Liên bang và Ngân hàng Anh, đang cân nhắc khi nào có thể đưa ra tuyên bố rõ ràng về lạm phát và bắt đầu hủy bỏ chính sách thắt chặt tiền tệ chưa từng có như hiện nay. Trong khi lạm phát tại khu vực đồng euro gồm 20 quốc gia đang tiến gần đến mục tiêu, các nhà hoạch định chính sách lại lo ngại về việc cắt giảm quá sớm và muốn đảm bảo rằng đà tăng lương đang được kiểm soát.
ECB hạ dự báo lạm phát
Triển vọng mới nhất của ECB cho thấy lạm phát được kỳ vọng xuống mức 2.3% trong năm nay - giảm từ 2.7% trong tháng 12 - và điều chỉnh dự báo năm 2025 xuống 2%. Trong khi đó, nền kinh tế được dự đoán sẽ tăng trưởng 0.6% vào năm 2024 so với 0.8% trước đó.
Chủ tịch Christine Lagarde sẽ tổ chức một cuộc họp báo tại Frankfurt sau cuộc họp chính sách. Tại đây, các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các tín hiệu về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6.
Tháng 6 chắc chắn là mốc thời gian mà phần lớn các quan chức đã đồng thuận - mặc dù một số người muốn hành động sớm hơn trong bối cảnh nền kinh tế của lục địa này đang vật lộn để thoát khỏi tình trạng lạm phát đình đốn hơn một năm qua.
Nhiều chính trị gia cũng mong chờ điều kiện tài chính được nới lỏng hơn. Bộ trưởng Tài chính Ý Giancarlo Giorgetti cho biết vào tuần trước: “Việc cắt giảm lãi suất có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng, vốn đang ở mức thấp trên khắp châu Âu. Tôi nghĩ tôi không phải là người duy nhất chia sẻ quan điểm này.”
Phong vũ biểu của các quan chức trong ECB
Trong khi các nhà hoạch định chính sách tự tin hơn rằng lạm phát đang giảm dần một cách bền vững, hầu hết đều cho rằng còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng và muốn nhìn thấy thêm dữ liệu ủng hộ kịch bản lạm phát về mục tiêu, trước khi bật đèn xanh cho nới lỏng tiền tệ.
Lạm phát tháng 2, ở mức 2.6%, mạnh hơn dự kiến - đang là quan điểm ủng hộ cho những người không muốn vội vàng hạ lãi suất.
Dù thực tế là gì, hầu hết các nhà hoạch định chính sách đều mong muốn quan sát dữ liệu tiền lương trong những tháng tới trước khi hành động. Trong đó có cả phe "dovish" như Yannis Stournaras, người gần đây đã nói rằng ECB “sẽ không có đủ thông tin” để quyết định cắt giảm trước tháng Sáu.
Tại Mỹ, Fed “không kỳ vọng rằng việc hạ lãi suất là phù hợp cho đến khi có được niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang tiến về mức 2% một cách bền vững”, Chủ tịch Jerome Powell cho biết hôm thứ Tư.
Bloomberg