ECB giữ nguyên lãi suất sau 10 lần thắt chặt liên tiếp, cảnh báo rủi ro tăng trưởng
Đức Nguyễn
FX Strategist
Ngân hàng Trung ương châu Âu lần đầu tiên giữ nguyên lãi suất trong hơn một năm trong lúc đánh giá liệu chu kỳ tăng lãi suất vừa qua có thành công trong việc kiềm chế lạm phát hay không.
Sau quyết định nâng lãi suất tiền gửi lên mức kỷ lục 4%, các nhà hoạch định chính sách đã giữ nguyên lãi suất sau cuộc họp thứ Năm – như dự báo của tất cả các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát.
Họ nhắc lại trong tuyên bố sau cuộc họp rằng việc giữ lãi suất ở mức đó đủ lâu sẽ “đóng góp đáng kể” trong việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.
Phát biểu tại Athens, Chủ tịch Christine Lagarde cho biết “chúng ta phải vững bước.”
Bà nhắc lại quan điểm của mình từ cuộc họp hồi tháng 9: “Còn quá sớm để nói về việc hạ lãi suất. Việc chúng tôi giữ nguyên không có nghĩa là chúng tôi sẽ không thắt chặt nữa.”
EUR tiếp tục suy yếu so với USD, trong khi lợi suất trái phiếu Đức giảm. Trái phiếu Ý, vốn được hưởng lợi lớn từ các chương trình mua nợ của ECB, giao dịch khả quan hơn khi bà Lagarde cho biết những thay đổi đối với chương trình mua tài sản khẩn cấp đại dịch (PEPP) trị giá 1.7 nghìn tỷ EUR (1.8 nghìn tỷ USD) đã không được thảo luận trong tuần này.
Với việc ECB cho thấy có thể tiếp tục tái đầu tư PEPP cho tới cuối năm 2024, lợi suất trái phiếu Ý 10 năm giảm 10 điểm cơ bản, đưa chênh lệch lợi suất so với Đức xuống dưới 200 điểm cơ bản.
ECB vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm nếu lạm phát không giảm đủ nhanh. Nhưng thị trường đang tin chắc rằng lãi suất Eurozone đã đạt đỉnh sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp.
Thị trường cũng đang bắt đầu định giá ECB hạ lãi suất, với lần nới lỏng đầu tiên vào tháng 6/2024 – ngay cả khi khu vực này đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế.
Các quan chức không đưa ra nhiều manh mối, thay vào đó họ tập trung vào các chính sách khác như PEPP. Tuy nhiên, những điều chỉnh ở đó có thể gây tranh cãi, khi căng thẳng ở Trung Đông đe dọa đẩy giá dầu lên cao, tình hình tài chính của chính phủ Ý khiến các nhà đầu tư lo lắng và nền kinh tế Eurozone chao đảo trước chi phí tín dụng cao hơn.
Theo chủ tịch Lagarde “với chính sách tiền tệ, luôn có thời gian truyền tải này. Nhóm phân tích của chúng tôi đánh giá rằng vẫn còn nhiều điều đang chờ đợi và còn nhiều điều nữa sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế thực. Và giả định của chúng tôi là nó sẽ tiếp tục diễn ra trong suốt cuối năm 2023 và quý đầu tiên của năm 2024.”
Quyết định của ECB là một trong số rất nhiều cuộc họp chính sách tiền tệ toàn cầu đã và sắp diễn ra. Vào thứ Tư, Ngân hàng trung ương Canada đã giữ nguyên lãi suất lần thứ hai liên tiếp, đồng thời để ngỏ khả năng thắt chặt hơn nữa. Tuần tới sẽ có các quyết định của Fed và BoE. Cả hai đều được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất.
Kể từ cuộc họp chính sách trước vào tháng 9, các quan chức ECB đã nhận thấy lạm phát thấp hơn dự báo. Theo ước tính của Bloomberg Economics, lạm phát Eurozone có thể giảm xuống khoảng 3% trong tháng này, thấp nhất trong hai năm.
Tuy nhiên, trong khi lãi suất tăng cao đang mang lại lợi ích cho những tổ chức cho vay như Deutsche Bank, thì số liệu GDP quý III được công bố vào tuần tới có thể ghi nhận tăng trưởng khiêm tốn. Số liệu PMI tháng 10 cho thấy cả sản xuất và dịch vụ đều đang sa lầy.
Đức, nền kinh tế lớn nhất khối, cũng là mối lo ngại lớn nhất khi nước này phải đối mặt với nguy cơ suy thoái lần thứ hai chỉ sau hơn một năm. Các nhà hoạch định chính sách của ECB sẽ phải đợi đến tháng 12 để có dự báo đến năm 2026.
Chủ tịch Lagarde cảnh báo tăng trưởng vẫn đứng trước nguy cơ suy yếu.
“Nền kinh tế có thể sẽ vẫn yếu trong thời gian còn lại của năm nay. Nhưng khi lạm phát giảm, thu nhập thực tế của hộ gia đình tiếp tục phục hồi và nhu cầu xuất khẩu tăng, nền kinh tế sẽ mạnh lên trong những năm tới.”
Bloomberg